Phơi hồ tiêu sau thu hoạch. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Thời điểm hiện nay, giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ dao động từ 80.000-84.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái hồ tiêu có giá từ 180.000-190.000 đồng/kg.
Theo người trồng tiêu đây là mức giá thấp chưa từng có trong 5 năm trở lại đây
Đến thời điểm hiện tại, các nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất việc thu hoạch tiêu niên vụ 2016-2017.
Theo bà con trồng tiêu, mùa tiêu này, hầu hết các vườn tiêu trong tỉnh đối mặt với nhiều bất lợi như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường; dịch bệnh chết nhanh chết chậm trên tiêu phát triển mạnh; chi phí đầu tư tăng cao…
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm canh tác nhiều năm và sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, nên tổng thể vụ tiêu này hầu hết các vườn tiêu đều được mùa.
Tuy nhiên, với giá tiêu liên tục lao dốc từ đầu nay đến nay, trong hơn 2 tuần qua giá hồ tiêu chỉ ở mức chưa đến 85.000 đồng/kg, đã làm cho người trồng tiêu lo lắng đứng ngồi không yên, nhất là đối với các hộ trồng mới.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mơ, ấp Nông Trường, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành vụ tiêu vừa qua với 1,2ha gia đình bà thu về được 2,6 tấn.
Bà Mơ cho biết dịp mới thu hoạch giá bán là 25.000 đồng/kg , thấy giá quá thấp bà không bán ngay mà phơi khô, quạt sạch cất trữ trong kho chờ giá lên cao thêm nữa thì bán. Không ngờ, giá không tăng mà ngày càng rớt xuống thấp khiến bà trở tay không kịp, trong khi tài chính trong gia đình vẫn phải chi tiêu hằng ngày. Tiền thuốc trừ sâu, phân bón… chi phí cho vụ tiêu vừa qua vẫn chưa trả hết.
Với tổng diện tích gần 2,5ha, năm nay vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Tiều ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức cho sản lượng 6,5 tấn.
Mặc dù việc thu hoạch đã hoàn tất vào vào đầu tháng Tư, nhưng thời điểm đó giá tiêu chỉ ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg, ông Tiều quyết định không bán, phơi dự trữ trong kho chờ giá tiêu nhích lên bán có lời hơn.
“Thế nhưng khác với mọi năm, giá tiêu năm nay lại liên tục làm tôi trở tay không kịp. Trong khi tiền nợ phân bón, thuốc trừ sâu của đại lý đã đến kỳ phải trả, mà tiêu hiện tại giá rất thấp nên tôi chưa biết phải làm gì. Hiện chỉ hy vọng giá tiêu nhích lên trong thời gian gần nhất,” ông Tiều cho biết.
Trong khi đó, những hộ trồng mới thu hoạch từ 1-2 năm, thì mức giá hiện tại đang tạo thêm áp lực cho họ, khi chi phí đầu tư, chăm sóc so với các vườn tiêu lâu năm cao hơn, năng suất vườn tiêu tơ cũng chỉ đạt từ 40-50% nên khó thu hồi vốn.
Những năm trước đây, khi cao su rớt giá, thấy nhiều hộ trồng tiêu trong vùng canh tác hiệu quả, nên năm 2014, gia đình chị Lê Thị Kim Chi (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) đã quyết định phá bỏ 1 ha cao su để chuyển sang trồng tiêu. Năm nay, tiêu cho thu hoạch đợt đầu với sản lượng 5 tạ.
Tuy nhiên, với giá bán hiện tại, chị Chi chỉ thu được hơn 40 triệu đồng. Trong khi đó, để có tiền đầu tư trong những năm qua chị Chi phải thế chấp giấy tờ nhà vay ngân hàng số tiến hơn 200 triệu đồng.
“Dù không muốn bán tiêu với giá 82.000 đồng/kg, nhưng hiện tại cần tiền trả bớt nợ vay ngân hàng nên tôi đành phải bán,” chị Chi chia sẻ.
Giá hồ tiêu rớt mạnh so với mọi năm, ngoài các nguyên nhân khách quan như từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại, dẫn đến cung vượt cầu dẫn đến giá hồ tiêu “lao dốc.”
Còn có nguyên nhân nữa là hiện nay diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang vượt quy hoạch, với diện tích hồ tiêu toàn tỉnh hiện nay đã là hơn 12.000ha.
Trên thực tế diện tích này vẫn chưa dừng lại, thời gian qua người dân vẫn đang tiếp tục phát triển diện tích trồng tiêu ồ ạt, cộng với việc sản xuất hồ tiêu không theo quy trình sản xuất an toàn cũng là việc khiến hồ tiêu không xuất khẩu được, dẫn tới giá rớt thê thảm.
Nhìn ở mặt tích cực, cây hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu Bà Rịa-Vũng Tàu, giá trị do cây hồ tiêu thời gian qua đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, ngành hồ tiêu tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn hồ tiêu bị chết do sự phá hại của sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình…
Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, với tình hình giá cả hồ tiêu như hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới…
Nhất là cần có sự liên kết giữa các hộ sản xuất với các tập đoàn, công ty trong sản xuất hồ tiêu an toàn , từng bước giúp sản phẩm hồ tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế./.
Theo TTXVN