Phù hợp, tiện lợi
BS Nguyễn Văn Đức, trước đây công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cho biết: “Mô hình BSGĐ phù hợp, thuận tiện cho những BN lớn tuổi, gia đình có điều kiện. Tôi nghỉ hưu và mở phòng khám tại nhà. Thường thì người nhà đưa BN đến phòng khám, tuy nhiên, có một vài trường hợp, tôi phải đến tận nhà thăm, khám vì BN là người già, bị tai biến, bị liệt một phần, không nói được, mọi sinh hoạt đều cần giúp đỡ,...”.
Mô hình Bác sĩ gia đình nếu được triển khai rộng rãi sẽ thuận tiện cho người dân trong khám, chữa bệnh
Chị Trần Thị Phụng, ngụ ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Nếu mô hình BSGĐ được triển khai rộng rãi sẽ thuận tiện cho người bệnh, nhất là những người già. Khi người thân bị bệnh, chỉ cần gọi điện thoại, BS đến tận nhà khám bệnh. Tôi tìm hiểu và được biết, ngoài đóng thêm phí dịch vụ khám bệnh tại nhà, người bệnh vẫn được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) như bệnh nhân đến bệnh viện. Khám bệnh xong, BS về bệnh viện kê toa thuốc, người nhà BN đến nhận toa, lãnh thuốc, như vậy sẽ chủ động và thuận tiện hơn”.
BS Võ Ngọc Hồ, công tác tại Trạm Y tế xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, thông tin: “Đối với những gia đình neo người, mỗi lần đưa người nhà đến bệnh viện khám rất khó khăn. Vào bệnh viện, họ còn phải chờ đợi lâu khiến cho người bệnh rất mệt mỏi. Nếu như mô hình BSGĐ được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh thì rất tiện lợi cho BN”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (70 tuổi), ngụ phường 3, TP.Tân An, cho biết: “Chồng tôi 74 tuổi, bị cao huyết áp, bệnh tiểu đường và giãn tĩnh mạch nên đi lại rất khó khăn. Mỗi lần đưa ông ấy đến bệnh viện, người nhà phải thuê taxi, dìu lên xe, khi đến bệnh viện phải đẩy xe lăn đến các khoa, phòng chờ khám bệnh rất vất vả. Nếu có dịch vụ BSGĐ, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người ủng hộ”.
Chưa được triển khai rộng rãi
BS Nguyễn Đình Lợi, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, cho biết: “Hiện nay, ngành Y tế vẫn chưa có những quy định chung cho mô hình BSGĐ nên hầu như chưa được triển khai rộng rãi. Các BS mở phòng mạch riêng thường tự làm thêm dịch vụ BSGĐ theo yêu cầu của một vài gia đình BN”.
Theo giám đốc một bệnh viện tuyến huyện, nếu thực hiện mô hình này, bệnh viện cần rất nhiều nhân lực, điều này rất khó trong tình trạng thiếu BS như hiện nay. Bình quân, trong buổi sáng, một BS có thể khám được 40-50 BN tại bệnh viện, nhưng nếu đến khám bệnh tại nhà, chỉ khám được khoảng 2 BN.
Ngoài ra, mô hình BSGĐ còn những khó khăn khác, nếu xảy ra tranh chấp trong quá trình khám bệnh tại nhà giữa BS, nhân viên y tế và người nhà BN thì bệnh viện khó xử lý. Chẳng hạn, khi êkip đến chăm sóc tại nhà, chích thuốc, truyền dịch cho BN khi bệnh tình trở nặng, nếu vì lý do nào đó, BN đột ngột qua đời, người nhà BN sẽ thắc mắc, có thể xảy ra tranh chấp. Vì vậy, khi triển khai mô hình trên, các bệnh viện phải tự đưa ra những quy định chung cho êkip đến khám bệnh BN tại nhà nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra các tranh chấp,...
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Long An - BS Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Hiện nay, mô hình BSGĐ chỉ mới triển khai thí điểm tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc. Tháng 5/2017, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2017-2020. Đề án được thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên”./.
Mô hình BSGĐ chỉ mới triển khai thí điểm tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc. Tháng 5/2017, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2017-2020. Đề án được thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên".
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Long An - BS Huỳnh Minh Phúc
|
Hoàng Lê