BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết ở trong khoang miệng, những vi khuẩn tự nhiên phá vỡ các hạt thức ăn tồn tại giữa răng và dọc theo đường nướu, đặc biệt là trên lưỡi sẽ giải phóng một loạt hợp chất có mùi hôi ở miệng. Khi chúng ta chải răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày, vệ sinh răng miệng sạch sẽ khiến những thức ăn bám ở răng có thể được loại bỏ, không còn vương lại trong khoang miệng, hạn chế tạo ra mùi khó chịu ở miệng và tình trạng viêm lợi.
Hơi thở có mùi ngay cả sau khi vệ sinh răng miệng có thể tiềm ẩn nhiều nguyên nhân. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Các nguyên nhân gây hôi miệng tạm thời như sử dụng thực phẩm, thức uống nặng mùi (hành, tỏi, củ cải, súp lơ,…), uống rượu, hút thuốc lá gây khô miệng, hôi miệng hoặc ăn uống các thực phẩm cung cấp hàm lượng protein, lượng đường cao (sữa) khi phân hủy trong miệng sẽ làm giải phóng các amino axit chứa rất nhiều hợp chất sulphur gây hôi miệng. Đa phần đều thuyên giảm nhanh sau khi ngưng sử dụng và vệ sinh răng miệng đúng cách.
Nhưng khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ mà hơi thở vẫn có mùi hôi khiến chúng ta mất tự tin trong giao tiếp, thì đây có thể là do những nguyên nhân sau:
Bệnh nha chu và nướu: bệnh về viêm nướu, viêm nha chu hay viêm quanh thân răng, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính,… do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng luôn có vai trò của vi khuẩn. Lượng vi khuẩn trong khoang miệng tăng lên chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra mùi hôi khó chịu dù đã đánh răng và súc miệng 2 - 3 lần/ngày.
Sâu răng, răng sâu vào tủy: Khi việc đánh răng không thể loại bỏ các phần thức ăn lắng đọng ở những lỗ sâu răng lâu dần chúng sẽ tăng sinh vi khuẩn, từ đó tạo ra mùi hôi miệng.
Sử dụng các dụng cụ nha khoa như mắc cài, miếng dán sứ Veneer, răng sứ thẩm mỹ, implant,… có chất liệu không đạt chuẩn hoặc do thức ăn bám chặt vào các kẽ trong thời gian dài, hoặc do bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật, mão sứ bị chênh, hở khiến thức ăn bám dính vào tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh gây hôi miệng. Ngoài ra, nước bọt có thể tác dụng với kim loại trong trụ implant hoặc mắc cài gây ra phản ứng hóa học và tạo mùi hôi khó chịu.
Các trường hợp bị giảm tiết nước bọt do tuổi tác, cũng có thể do sử dụng một số loại thuốc, xạ trị, hóa trị, hoặc mắc hội chứng Sjogren,… gây khô miệng, hôi miệng.
"Khi miệng bị khô, lượng nước bọt ít thì cảm giác hôi miệng rát lưỡi cũng tăng lên bởi nước bọt có tác dụng trung hòa các axit cũng như loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng, làm sạch miệng. Khô miệng tự nhiên xảy ra trong khi ngủ, ngủ há miệng, dẫn đến hơi thở có mùi vào buổi sáng", bác sĩ Vũ phân tích.
Nhiễm nấm candida. Đây là nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhưng không được chú ý, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ dưới 12 tháng tuổi và người già.
Những nguyên nhân từ bên ngoài khoang miệng
Các bệnh hô hấp: Một số vấn đề hô hấp từ mũi, xoang, amidan, hầu họng như: Viêm xoang, hội chứng chảy dịch mũi sau, cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, sỏi amidan… có thể gây hôi miệng do khi bị viêm (mũi, xoang), nhiễm trùng ở xoang thì dịch sẽ chảy xuống cổ họng và số lượng vi khuẩn trong miệng tăng gây ra mùi hôi miệng. Hoặc các hạt nhỏ được bao phủ bởi vi khuẩn hình thành khi bị viêm amidan hốc mủ cũng gây ra hơi thở có mùi. Hoặc khi nghẹt mũi có thể buộc phải thở bằng miệng, dẫn đến khô miệng và tăng sinh các vi khuẩn gây hôi miệng.
Viêm xoang, mũi cũng có thể gây hôi miệng. Ảnh: Shutterstock
Bệnh tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, dịch dạ dày có pH axit nên có thể phá vỡ môi trường sinh lý của khoang miệng và tạo điều kiện thuận lợi để hại khuẩn phát triển mạnh và gây hôi miệng. Thức ăn bên trong dạ dày khi trào ngược lên khoang miệng có thể gây ra mùi hôi khó chịu kèm theo cảm giác đắng hoặc chua miệng. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng kéo dài nếu nó bám trong miệng.
Bệnh tiểu đường, gan, thận: Đái tháo đường nhiễm toan ceton tạo hơi thở có mùi thơm ngọt hoặc mùi trái cây của axeton; suy gan tạo mùi hôi (mốc, ngọt hoặc sulfur), suy thận tạo hơi thở có mùi nước tiểu hoặc amoniac.
Cơ thể không chuyển hóa được trimethylamine trong thực phẩm gây hội chứng mùi cá ươn.
Hôi miệng kéo dài có thể gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, giao tiếp, từ đó làm giảm hiệu suất lao động, học tập và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Đây còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh nội khoa và các vấn đề răng miệng nên cần phải được khám và điều trị sớm để kiểm soát tốt chứng hôi miệng và phòng ngừa các biến chứng nặng nề khác./.
Lê Cầm/thanhnien.vn