Tiếng Việt | English

17/05/2021 - 10:28

Định hướng thông tin trên mạng xã hội - Một hướng đi tất yếu!

Bài 1: Mạng xã hội - Môi trường thuận lợi cho sự phát triển

Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh về Internet và mạng xã hội (MXH). MXH hiện nay trở nên phổ biến, là một kênh giao tiếp quan trọng trong đời sống người dân. Tuy nhiên, MXH cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân, cộng đồng và cả quốc gia. Đã có không ít trường hợp các thế lực thù địch lợi dụng MXH thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận. Việc quản lý và định hướng thông tin trên MXH trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Internet nói chung và MXH nói riêng ngày nay đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Ở đó, mỗi người được tự do thể hiện bản thân, lao động, sáng tạo, kết nối với người khác và thực hiện cả hoạt động kinh doanh. Có thể nói, tham gia vào MXH là một cách thỏa mãn nhu cầu bậc cao của con người.

Mạng xã hội được các bạn trẻ ứng dụng hiệu quả vào việc học tập, rèn luyện kỹ năng

Mạng xã hội được các bạn trẻ ứng dụng hiệu quả vào việc học tập, rèn luyện kỹ năng

Công cụ kết nối hữu hiệu

Từ khi con gái út trở thành học sinh Trường THPT Chuyên Long An và ở nội trú tại trường, chị Huỳnh Thị Thu Nga (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) cũng tập tành sử dụng Zalo để liên lạc với con dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng, chị và con gái gọi video trò chuyện, nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe. Chị Nga kể, con gái lớn của chị còn kết bạn Facebook, Instagram với em, trong gia đình có nhóm trò chuyện Zalo. Các thành viên chia sẻ thông tin, kể chuyện nhau nghe. Chị nói: “Nhờ vậy mà các con gần gũi với nhau, có chuyện gì cũng kể nhau nghe nên tôi yên tâm lắm. Các con ở xa mà liên lạc nhau thường xuyên, thương yêu nhau vậy, tôi thấy vui lắm!”.

Những câu chuyện như gia đình chị Nga hiện nay rất phổ biến. MXH trở thành một kênh thông tin liên lạc quan trọng đối với nhiều người vì sự tiện lợi và tiết kiệm. Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện nay, cả nước có hơn 600 MXH được cấp phép tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sự phổ biến của Internet và MXH trong xã hội.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Huỳnh Cao Chánh giải thích, MXH vốn là một trang web mở, giúp người dùng có thể tương tác lẫn nhau một cách dễ dàng. MXH có nhiều ưu điểm tích cực, đáp ứng được yêu cầu của người dùng. Mỗi MXH có thế mạnh riêng, cung cấp cho người dùng các công cụ tương tác, kết nối mọi người với nhau một cách dễ dàng: Phát trực tiếp, nhắn tin, chuyển hình ảnh, tài liệu, thực hiện cuộc gọi video, đăng tải video,…

MXH Việt Nam được chia thành 2 luồng chính gồm các MXH trong nước được cấp phép theo pháp luật Việt Nam và MXH của nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, Twitter, Skype, WeChat, Instagram,…

Mặc dù số lượng MXH trong nước được cấp phép hoạt động là khá lớn nhưng thực tế cho thấy người dùng Việt Nam lại chủ yếu sử dụng các dịch vụ MXH của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới là Facebook, YouTube. Số lượng người Việt Nam sử dụng Facebook hiện nay gần 64 triệu người, YouTube gần 35 triệu người. Ngoài ra, các MXH thông dụng khác hiện nay là Zalo (MXH của Việt Nam), Tiktok (một MXH mới được giới trẻ ưa thích trong những năm gần đây), Instagram,…

Môi trường lý tưởng cho học tập, làm việc 

Thông qua MXH, mỗi người có thể giới thiệu bản thân đến mọi người, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ quan điểm cá nhân, gắn kết cộng đồng. Đây cũng là môi trường kinh doanh lý tưởng, tiềm năng, giúp người dùng bán hàng, quảng cáo sản phẩm, tìm kiếm và kết nối thêm khách hàng. Với những lợi thế của mình, MXH trở thành một kênh lan tỏa thông tin hiệu quả và nhanh chóng. Thông qua MXH, mọi người tìm được nhiều thông tin, kiến thức phục vụ việc cải thiện kỹ năng sống, trau dồi kiến thức và giải trí.

Nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng MXH phục vụ việc học tập và làm việc. Các nhóm trò chuyện kín trên MXH Zalo là hình thức liên hệ công việc thông qua MXH phổ biến nhất hiện nay. Tại huyện Châu Thành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện có nhóm Zalo gồm Ban Chấp hành Huyện hội và chủ tịch, phó chủ tịch hội tại các xã. Mọi thông tin liên hệ, công văn, hình ảnh trao đổi giữa Huyện hội và Hội Phụ nữ các xã đều được trao đổi nhanh chóng. Nhờ vậy, các chị em chủ động hơn cũng như dễ dàng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình công tác. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết: “Nhóm Zalo của Hội được thành lập từ nhiều năm trước, mang lại hiệu quả và được duy trì cho đến nay. Việc sử dụng MXH để làm việc, tuyên truyền phát huy hiệu quả tích cực, nhất là từ năm 2020 đến nay”.

Theo chị Tuyền, trong giai đoạn dịch bệnh, nhóm làm việc Zalo phát huy hiệu quả rõ ràng và tích cực nhất. Mọi thông tin, văn bản cần triển khai đều có thể truyền tải một cách nhanh chóng, thuận tiện qua Zalo, hạn chế tối đa việc hội họp, tập trung đông người. Trong thời gian giãn cách xã hội trước đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Châu Thành đã triển khai nhiều mô hình thiết thực nhằm phòng, chống dịch bệnh: May và phát khẩu trang, tuyên truyền các thông tin về dịch bệnh để người dân nắm rõ, vận động người dân khai báo y tế,… Phần lớn các kế hoạch đó đều được triển khai thông qua nhóm Zalo. Các đơn vị, cá nhân theo đó triển khai, thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, MXH còn được các bạn trẻ ứng dụng hiệu quả vào việc học tập, rèn luyện kỹ năng. Nhiều fanpage về các câu lạc bộ (CLB) kỹ năng của học sinh lập trên Facebook nhằm truyền tải thông tin đã phát huy hiệu quả tích cực. CLB Truyền thông tại Trường THPT Chuyên Long An là một minh chứng cụ thể. Thông qua Fanpage Ban Truyền thông CLA trên Facebook, các hoạt động nổi bật của học sinh, giáo viên trường được thông tin một cách khá đầy đủ với nhiều hình thức sinh động thu hút người xem. Hiện tại, fanpage nhận được gần 2.000 lượt thích, là động lực to lớn cho các thành viên CLB trong quá trình vận hành fanpage cũng như rèn luyện kỹ năng cho bản thân. Ngoài ra, các nhóm kín, nhóm công khai thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau cũng được xây dựng nhằm kết nối, chia sẻ thông tin giữa những người cùng sở thích, muốn tìm hiểu về một vấn đề nhất định. Là người chuyên tìm tòi trồng và kinh doanh các loại cây giống mới lạ, khi cung cấp giống cho khách hàng, anh Nguyễn Duy Khang (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) luôn chủ động giới thiệu cho khách hàng tham gia các nhóm trên Facebook để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trồng cây.

Có thể thấy, MXH thực sự là một công cụ hữu ích, đáp ứng được các yêu cầu thiết thực của người dùng nên nhanh chóng trở nên thu hút và phát triển ngày càng mạnh mẽ./.

(còn tiếp)

Bài 2: Con dao hai lưỡi mang tên mạng xã hội

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết