Tiếng Việt | English

09/01/2016 - 09:19

Dọc đường biên giới Tân Hưng (Long An)

Bài 2: Lớp nhô giữa biên giới

Ở biên giới Tân Hưng có những lớp học mà người dân nơi đây vẫn gọi là lớp nhô. Đó là những lớp học hệ THPT được mở ra để ngăn dòng học sinh bỏ học ở 3 xã Hưng Điền, Hưng Hà và Hưng Điền B giúp hành trình tìm tri thức của các em đỡ gian nan, vất vả hơn.


Các phòng học của lớp nhô ở ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền

Ngăn dòng học sinh bỏ học

Nằm bên dòng kênh hiền hòa T5, ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng có một ngôi trường chỉ 3 phòng học và 1 phòng làm việc nhỏ của thầy cô giáo. Ngôi trường này có 6 lớp học được chia lịch học trong 2 buổi/ngày với 196 học sinh, đó là lớp 10 và 11. Nói là trường nhưng thực tế chỉ là “chi nhánh” của Trường THPT Tân Hưng. Người dân và thầy cô giáo vẫn thường gọi lớp học với cái tên ngồ ngộ, là lạ nhưng cũng rất mộc mạc, gần gũi “lớp nhô”.

Em H.T.N, học sinh lớp 10A7, nhà ở xã Hưng Điền B kể: “Mấy năm trước, mẹ nói chỉ cho em học hết lớp 9 vì gia đình không có điều kiện cho em lên trọ học tại thị trấn. Tuy nhiên, nhờ có lớp nhô mà em được học lên lớp 10”.

Ngăn dòng học sinh bỏ học ở các xã biên giới chính là mục đích của việc mở lớp học hệ THPT tại xã Hưng Điền B. Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng – Nguyễn Văn Thắm, Tân Hưng có 1 trường THPT, đó là Trường THPT Tân Hưng, đóng tại thị trấn Tân Hưng. Đối với những học sinh ở các xã xa khi lên đây học, phần lớn đều phải ở trọ tại thị trấn hoặc ở ký túc xá của trường. Điều này khiến nhiều phụ huynh không yên tâm.

Mặt khác, khi các con trọ học, phụ huynh lại tốn thêm nhiều chi phí, trong khi đó, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để cho con đi học. “Vì lý do này nên tình trạng học sinh không lên lớp 10 và bỏ học giữa chừng ở các xã vùng xa trong những năm qua ở huyện vẫn khá cao, nhất là đối với 3 xã biên giới Hưng Hà, Hưng Điền và Hưng Điền B”, ông Thắm cho biết thêm.

Từ thực tế trên, được sự chấp nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014-2015, Tân Hưng mở “chi nhánh” trường THPT tại Trường THCS Hưng Điền B. “Chi nhánh” có 3 lớp 10. Giáo viên giảng dạy do Trường THPT Tân Hưng tăng cường.

Đến năm học 2015-2016, ngoài 2 lớp 11 (lên từ lớp 10 năm trước) có thêm 4 lớp 10 nữa. Trường THCS Hưng Điền B không còn phòng để cho mượn. Thấy vậy, huyện đồng ý cho nhà trường sửa chữa lại 3 phòng học của điểm trường tiểu học tại ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B đang còn trống để làm nơi học cho học sinh.

Kể từ năm học này, các lớp nhô chuyển về địa điểm mới. Chỉ có 3 phòng học nên buổi sáng phòng dành cho 3 lớp 10, buổi chiều dành cho 1 lớp 10 và 2 lớp 11.


Lớp nhô mở ra giúp hành trình tìm tri thức của học sinh biên giới được thuận tiện hơn

Cô Phạm Thị Hồng Nhung - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Hưng cho biết: “Từ khi mở lớp nhô, số lượng học sinh vào lớp 10 ở 3 xã biên giới tăng lên so với các năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng tiếp tục giảm. Như đầu năm học 2015-2016 đến nay chỉ có 7 em bỏ học. So với cùng kỳ các năm học trước, số học sinh bỏ học giảm đi rất nhiều, trước khi có lớp nhô, 3 xã có khoảng 20 em bỏ học”.

Giáo viên vất vả hơn

Hiện nay, Trường THPT Tân Hưng đang phân công 27 giáo viên luân phiên giảng dạy ở các lớp mở ở Hưng Điền B, trong đó có thầy Hiệu phó Nguyễn Thanh Hải. Những giáo viên này vừa giảng dạy ở đây, vừa dạy tại trường THPT ở thị trấn. Vì phải đi lại giữa 2 điểm nên Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ công tác phí cho mỗi giáo viên 1 lượt đi giảng dạy tại lớp nhô 75.000 đồng.

“Quãng đường cả đi và về từ thị trấn đến các lớp nhô hơn 20km. Để thuận lợi cho các giáo viên, Ban giám hiệu xếp lịch giảng dạy thật hợp lý và thường xuyên động viên giáo viên” - cô giáo Lê Thị Nga cho biết.

Không chỉ di chuyển quãng đường xa mà con đường sỏi đỏ chạy dọc theo Kênh 79 từ thị trấn về lớp nhô mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì trơn trượt.

Theo thầy Phan Hải Bình, đa số các giáo viên được phân công giảng dạy lớp nhô đều có nhà ở thị trấn Tân Hưng hoặc đang ở nhà tập thể trong trường THPT ở thị trấn. Dạy lớp nhô xong là giáo viên về thị trấn ngay trong ngày. Vì lẽ đó, những giáo viên nữ càng vất vả, nhất là đi lại trong điều kiện nắng gắt, đường sá đầy bụi bặm; còn những ngày mưa gió chạy xe rất nguy hiểm.

“Dù còn nhiều khó khăn nhưng vì tình yêu thương học trò, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, chúng tôi không ngại vất vả, chỉ mong sao giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học” - thầy Bình tâm sự.

Còn theo thầy giáo Phạm Văn Tiền, đi dạy học ở tại nơi các em sinh sống, giáo viên được gần gũi và thấu hiểu hơn với hoàn cảnh của học sinh. Tuy nhiên, với những lớp nhô này, giáo viên vẫn có rất nhiều trăn trở.

Vì điều kiện cơ sở, phòng học thiếu nên trang thiết bị thực hành cho học sinh học ở các lớp nhô chưa có.
“Mỗi lần học thực hành Vật lý, Hóa học, các em vẫn phải về tại trường THPT ở thị trấn. Còn Tin học, chúng tôi phải liên hệ mượn phòng vi tính của Trường THCS Hưng Điền B cho học sinh thực hành” - thầy Tiền kể.

Rời các lớp nhô để về thị trấn Tân Hưng, ngoái nhìn vào bên trong lớp, chúng tôi nhìn thấy học sinh vẫn đang chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài. Hình ảnh đó giúp chúng tôi hiểu hơn ý nghĩa của các lớp nhô giữa vùng biên giới đầy nắng, gió.

Chúng tôi tin rằng, những năm tiếp theo, tỷ lệ học sinh ra lớp 10 ở các xã biên giới của huyện Tân Hưng ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm./.

Lê Đức (còn tiếp)

Kỳ tới: Qua rồi ngày gian khó

Chia sẻ bài viết
  • Thật ý nghĩa biết bao, hình ảnh Thầy Cô vì đàn em, ngôi trường nhiều kỉ niệm gắn bó.

    Nguyễn Ngọc Thơ - Cách đây 8 năm