Tiếng Việt | English

07/01/2016 - 10:02

Dọc đường biên giới Tân Hưng (Long An)

Bài 1: Nối đôi bờ hữu nghị

Long An có chung đường biên giới với 2 tỉnh Svay Rieng và Pray Veng (Vương quốc Campuchia) dài 133km; trong đó, có những đoạn biên giới đất liền, có nơi biên giới giữa là con sông. Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là bảo đảm an ninh, trật tự vùng biên giới giữa các địa phương của 2 nước phối hợp bắc cầu, nối liền đôi bờ biên giới; nguồn kinh phí đầu tư của Long An.


Cầu Hữu Nghị 2 nối liền 2 bên bờ biên giới

Không phải lụy đò

Nhiều năm qua, 2 xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An và xã Chàm, huyện Com Pung Tro Bek, tỉnh Pray Veng bị cách trở bởi con sông Cái Cỏ. Muốn qua lại với nhau phải đi qua một con đò. Người dân 2 bên biên giới luôn ước mơ một ngày sẽ có cầu bê tông nối nhịp đôi bờ.

Thế rồi, cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Cái Cỏ được 2 tỉnh Long An và Pray Veng thống nhất chủ trương thực hiện. Ngay sau đó, tháng 6-2014, cầu Hữu Nghị 2 được khởi công, do Sở Giao thông Vận tải Long An làm chủ đầu tư.

Hơn 10 tháng thi công, cây cầu được hoàn thành, có tải trọng thiết kế (xe đơn) 18 tấn, mặt cầu rộng 4,5m, dài trên 80m với tổng kinh phí xây dựng trên 10 tỉ đồng. Cây cầu nối liền 2 tuyến Đường tỉnh 819 thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An và đường số 103 (đường Svai À Ngong), xã Chàm, huyện Com Pung Tro Bek, tỉnh Pray Veng.

Đến ngày 8-7-2015, cầu được khánh thành trong niềm vui của chính quyền và người dân 2 bên biên giới. Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Đỗ Hữu Lâm phấn khởi: “Cầu Hữu Nghị 2 được đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Tân Hưng và huyện Com Pung Tro Bek nói riêng và 2 tỉnh Long An, tỉnh Pray Veng nói chung. Tin tưởng rằng, cây cầu này sẽ càng gắn kết mối thâm tình, đoàn kết, truyền thống lâu dài, tốt đẹp giữa nhân dân, chính quyền 2 nước”.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An nhớ lại: “Cầu Hữu Nghị 2 không chỉ có ý nghĩa đi lại đơn thuần mà còn có ý nghĩa quốc tế, ngoại giao, phát triển kinh tế mậu biên... Trong quá trình thi công, lãnh đạo tỉnh, huyện của 2 nước rất quan tâm. Sở cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi để bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ thi công”.

Cách cầu Hữu Nghị 2 vài km cũng có cây cầu Hữu Nghị 1 nối liền xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An với xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng. Cầu dài gần 63m, rộng 9m với tổng mức đầu tư hơn 8 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Nối vòng tay lớn

Trong những ngày đầu năm mới 2016, chúng tôi có dịp đến cầu Hữu Nghị 2, nhìn người và phương tiện qua lại trên cầu, tất cả những mệt nhọc như tan biến sau chặng hành trình dài hơn 100km băng qua nắng, gió.

“Cầu bắt đầu mở cửa từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều trong ngày. Bình quân mỗi ngày khoảng gần 50 lượt người qua lại, chủ yếu là những người có nhà ở những xã giáp ranh. Thời gian lưu trú chỉ trong ngày chứ không được ở lại ban đêm” - nhân viên kiểm soát trạm biên phòng tại cầu Hữu Nghị 2, Đồn Biên phòng Sông Trăng - Thiếu úy Nguyễn Xuân Trường thông tin.

Cũng theo Thiếu úy Trường, người dân 2 bên biên giới qua lại cầu thường là đi thăm người thân, làm ruộng, đi chợ, trao đổi hàng hóa,... Đặc biệt bên bạn hay sang mình đi làm thuê lấy tiền công, mua thuốc xịt cỏ, đi khám bệnh,...

Đang trò chuyện với chúng tôi, Thiếu úy Trường phải tạm dừng vì mở cửa rào chắn cho 3 người qua cầu, trong đó, 2 người lớn và 1 trẻ em. Nở nụ cười tươi, anh Trường lướt mắt nhìn qua tấm chứng minh nhân dân rồi hỏi “Hôm nay anh đi công việc như hôm qua à?” Chúng tôi cứ nghĩ người đàn ông Campuchia khoảng 40 tuổi có làn da sạm đen sẽ thắc mắc gì đó, thì bất ngờ nghe câu trả lời bằng tiếng Việt rành rọt “Đúng rồi cán bộ. Hôm nay tôi tranh thủ đi sớm về sớm”.

Phan Sean cùng vợ bên xã Chàm đưa con sang Tân Hưng khám bệnh

Thấy tôi hơi bất ngờ, anh Trường liền bảo “Anh bạn này tên là Phan Sean ở bên kia xã Chàm. Tuần nào anh cũng qua cầu sang bên mình, khi thì đi khám bệnh, khi làm mướn, khi chở vợ con đi chợ Gò Chuối ở xã Hưng Điền... nên quen mặt. Chỉ cần anh bạn này vừa xuất hiện bên kia mé cầu thì đứng bên này nhìn sang mình nhận ra ngay. Còn mấy hôm nay, anh và vợ đưa đứa con trai Sockhim 2 tuổi sang bên Tân Hưng đi khám bệnh”.

Sau khi xong thủ tục, anh Trường quay sang nói với anh Phan Sean “Anh đi đi. Cố gắng lo cho đứa nhỏ mau hết bệnh". Trước lúc lên xe, anh Sean ngoảnh sang tôi nói “khờ mui”. Thấy tôi ngơ ngác, anh Trường giải thích, câu nói đó có nghĩa đại khái là anh ấy chào tôi.

Sau anh Phan Sean, còn có nhiều người khác qua cầu, trong đó, có chị Khon trên 40 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi, chị Khon kể, nhà chị ở bên xã Chàm, cứ vào mùa vụ chị vẫn sang bên xã Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà của huyện Tân Hưng để đi làm mướn. Trong ký ức của chị, những lần phải lụy đò sang Tân Hưng vẫn còn vẹn nguyên. Hơn ai hết, chị cảm nhận rõ niềm vui khi cầu Hữu Nghị 2 được đưa vào sử dụng. “Lúc trước đi đò phải mất hơn 15 phút, nhưng giờ qua cầu chỉ hơn 2 phút. Ngoài thời gian được rút ngắn, cây cầu còn làm cho tình bạn, tình làng xóm giữa nhân dân 2 bên thêm gắn kết” - chị Khon kể.

Đó là những người dân bên xã Chàm, còn với chị Đỗ Thị Kim Loan, ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, từ khi có cây cầu Hữu Nghị 2, việc đi lại, thông thương thuận lợi hơn rất nhiều. Hôm nay, chị mang cơm sang xã Chàm cho chồng. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Gàu làm nghề chạy ghe lúa ở bên xã Chàm. Buổi trưa, anh ở lại giữ lúa nên chị mang cơm sang. Chị Loan bảo, gần đây tôi đi qua cầu Hữu Nghị 2 cứ như “cơm bữa”./.

Lê Đức (còn tiếp)

Kỳ tới: Lớp nhô giữa biên giớI

Chia sẻ bài viết