Tiếng Việt | English

30/09/2015 - 10:59

Niềm vui từ những công trình trọng điểm

Bài 8: Về căn cứ Bình Thành tự hào truyền thống cha anh!

Khu di tích Lịch sử Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) là 1 trong 9 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020). Đến nay, công trình đã tương đối hoàn thành, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 10-2015. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng quê hương Đức Huệ mà là của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Long An "trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".


Đoàn cán bộ đến thăm Khu di tích

Bình Thành - Một thời oanh liệt

Khu di tích (KDT) Lịch sử Cách mạng tỉnh còn được gọi là Căn cứ Bình Thành, án ngữ hành lang chiến lược giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, gần với Sài Gòn, dựa lưng vào vương quốc Campuchia, từ đó trở thành một căn cứ bưng biền độc đáo trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nơi đây biểu hiện sự hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên, con người, về sự sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ Long An trong việc vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân để xây dựng nên một căn cứ cách mạng đặc thù so với những căn cứ khác ở Nam bộ. Với những lý do ấy, Khu căn cứ Bình Thành đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định xếp hạng là di tích quốc gia năm 1998.

Đường giao thông ở đây hầu như không thể đi vào bằng phương tiện cơ giới, đi bộ cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy, vùng đất này có lợi cho hình thức đấu tranh du kích của ta. So với những căn cứ địa khác, căn cứ Bình Thành rất gần và có mối quan hệ khắng khít với Sài Gòn. Từ đây, ta có thể nắm rõ tình hình hoạt động của địch và bất ngờ tấn công khi có thời cơ.

Căn cứ Bình Thành là 1 trong 2 nơi tập trung lực lượng cốt cán của Đảng bộ Long An những năm sau Hiệp định Genève và là nơi ra đời những đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Long An. Đồng thời, đây cũng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy ngay khi tỉnh Long An được thành lập năm 1957. Lực lượng vũ trang trong tỉnh và Sư đoàn 9 Miền cũng chọn Bình Thành là nơi tập kết và điểm xuất phát để tấn công vào Sài Gòn trong chiến dịch Tổng tấn công, nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.


Bia tưởng niệm liệt sĩ tại căn cứ Bình Thành

Mãi nhớ ơn những người đi trước

Ngày nay, KDT Lịch sử Cách mạng hầu như không còn những công trình kiến trúc cụ thể, vì được xây với vật liệu sẵn có tại chỗ như cột tràm, mái bằng bàng, đưng, nền đất và phải trải qua những trận mưa bom, càn quét của địch,…Thế nhưng, những phế tích xưa vẫn còn đó, gợi nhớ về một thời oanh liệt. Mỗi bờ đất, dòng kênh, bụi tre, hầm bí mật, giếng nước, hố bom,… đều in dấu chân của cán bộ, chiến sĩ cách mạng thuở trước, là những minh chứng hùng hồn của bao gian lao mà cha anh ta đã trải qua trong thời kỳ nằm gai, nếm mật.

Với kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng, đến nay, các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, bao gồm: Đền tưởng niệm, nhà khách, nhà truyền thống, 3 cụm di tích gốc (cụm số 1 gồm nhà cơ yếu, phục vụ thông tin liên lạc giữa tỉnh và Trung ương, tỉnh đến các cơ quan trực thuộc tỉnh, văn phòng Tỉnh ủy thường trực Trung ương, nhà văn thư, bếp ăn thường vụ; cụm 2 gồm ban Kinh tài, ban An ninh, trạm xá; cụm 3 gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ban Dân vận,...). Khu vực 3 đặc biệt có “Hố bom giao liên” là nơi cán bộ ở miền Tây giao liên dẫn đường, hẹn trao đổi và lấy nước trên đường hành quân.

Đến thăm KDT, nguyên Phó Tổng Thanh tra Nhà nước, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Đức Hòa tại TP.HCM – Lê Quang Thẩm xúc động: “Dù không trực tiếp chiến đấu tại đây nhưng tôi vẫn không khỏi bồi hồi khi nghĩ về một thời lửa khói. Việc tái hiện lại những hình ảnh, trưng bày các hiện vật sẽ giúp thế hệ sau hiểu về cuộc sống, chiến đấu của cha ông ngày trước mà phấn đấu rèn luyện, học tập xây dựng nước nhà”.

Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch – Phạm Văn Trấn nói, KDT Lịch sử Cách mạng tỉnh là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của Đảng và quân dân Long An trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi giúp các bạn trẻ củng cố niềm tin, hoài bão và lý tưởng phấn đấu trong học tập, lao động để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nơi đây cũng là một điểm tham quan du lịch lý thú đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Qua đó, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về hoàn cảnh sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến.

Về căn cứ Bình Thành hôm nay, không còn tiếng đạn bom, lửa khói, thay vào đó là không gian yên ả, thanh bình với hàng trúc xanh rì phủ lối đi, chỉ có tiếng chim ca ríu rít đón chân người đến.  Đây chính là nơi hội tụ những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất. Đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Đảng bộ và nhân dân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Phạm Ngân - Lê Ngọc

Xem thêm>>

Bài 7: Công trình lịch sử đáng tự hào

Bài 2: Đường Tân Tập - Long Hậu; đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh: Động lực phát triển kinh tế khu vực

 

Chia sẻ bài viết