Những ngày cuối năm, nhiều người vẫn bôn ba ngược xuôi trên các nẻo đường, tất bật với công việc. Trong nhịp sống hối hả, ai ai cũng phấn khởi, hy vọng những điều tốt lành trong năm mới.
Thế nhưng, trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón tết, chúng ta cảm thấy lắng đọng, se lòng trước thông tin bé trai tên Thái Lý Hạo Nam, SN 2012, đã bị rơi vào lòng trụ bêtông dài 35m, đường kính 25cm, đóng sâu trong lòng đất, tại công trình cầu kênh Rọc Sen, thuộc dự án xây dựng Đường tỉnh 857 của tỉnh Đồng Tháp, vào trưa ngày 31/12/2022. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa.
Suốt những ngày qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, người dân cả nước, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài rất quan tâm, theo dõi, trông đợi phép màu xảy ra khi các lực lượng cứu hộ đã tập trung rất nhiều nhân lực, phương tiện, máy móc để giải cứu.
Ngay khi nhận thông tin về sự cố, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn giám sát, thi công, chính quyền địa phương, y tế và các lực lượng cứu hộ khác lập tức đến hiện trường, dùng mọi cách, mọi phương tiện để giải cứu. Các đơn vị liên quan đã làm việc xuyên suốt 24/24 giờ, huy động mọi lực lượng hiện có trên địa bàn. Do tính chất phức tạp của công tác cứu hộ, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn cùng các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ địa phương thực hiện công tác giải cứu trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng đã có Công điện số 01/CĐ-TTg, ngày 02/01/2023 chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tại công trường thi công dự án cầu kênh Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, tin buồn đến với mọi người khi “phép màu” không xảy ra. Chiều tối ngày 04/01/2023, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác nhận: Bé trai rơi xuống ống cọc bêtông tại công trình cầu kênh Rọc Sen đã tử vong. Thông tin này làm bàng hoàng, đau lòng những người quan tâm đến sự cố, mong có phép màu để giải cứu bé trai đáng thương.
Cũng liên quan đến tai nạn tại các công trình, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen cho Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Nhơn Trạch vì đã có thành tích cứu sống bé gái 5 tuổi rơi xuống hố công trình (hố cọc ép bêtông) sâu 15m vào ngày 19/12/2022. May mắn là trong vụ việc này, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công bé gái.
Qua các vụ tai nạn thương tâm này tiếp tục gióng lên hồi chuông về an toàn lao động khi xây dựng các công trình. Còn nhớ trước đây, trong quá trình xây dựng cầu Đúc (mới) của TP.Tân An, cầu An Thạnh của huyện Bến Lức, tỉnh Long An… cũng đã xảy ra tai nạn chết người. Huống hồ, nạn nhân trong sự cố tại công trình cầu kênh Rọc Sen lại là trẻ em. Những miệng hố sâu như một cái bẫy, trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức để biết được những hiểm nguy, tai nạn đang rình rập. Trong khi công tác bảo vệ an toàn tại khu vực đang thi công cầu chưa được quan tâm đúng mức. Các miệng hố chưa được bịt kín, thiếu rào chắn cẩn thận. Khi tai nạn xảy ra thì công tác cứu hộ không đáp ứng được vì thiếu máy móc, trang bị và “thời gian vàng” đã trôi qua,…
Vì vậy, trong các công trình xây dựng, nhất là xây dựng cầu, phải đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn lao động; có chế tài nghiêm khắc nếu để xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan. Các đơn vị thi công phải có ý thức phòng ngừa, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực thi công; trang bị an toàn lao động cho công nhân; bao bọc, rào chắn các đầu ống, hố trong quá trình chờ lắp,... để không xảy ra các sự cố đáng tiếc. Phải tuyệt đối bảo đảm an toàn thi công để tránh rủi ro, nêu cao ý thức bảo vệ an toàn cho cộng đồng thì sẽ đỡ tốn nhiều công sức cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Quan tâm công tác cứu hộ các sự cố về an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn cộng đồng, phòng cháy, chữa cháy,... là lương tâm và trách nhiệm!./.
Kim Quy