Nỗi đau dai dẳng
Tai nạn lao động (TNLĐ) để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho gia đình và xã hội. Vì một phút bất cẩn hay những nguyên nhân khách quan khác, nhiều nạn nhân của TNLĐ ra đi vĩnh viễn, có người may mắn sống sót nhưng mang thương tật suốt đời.
Những ngày cuối tháng 11/2018, vợ chồng chị T. và anh N., ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, gặp tai nạn lúc đấu điện chạy môtơ bơm nước chống úng cho ruộng khổ qua. Tai nạn xảy ra quá bất ngờ, cùng lúc cướp đi sinh mạng của cả 2 vợ chồng chị T. khiến cho 3 đứa con nhỏ bơ vơ.
Thương xót hoàn cảnh khó khăn của các em, nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng, nhưng có lẽ, đối với các em, nỗi đau ấy chẳng bao giờ nguôi khi không còn cha mẹ bên cạnh.
Hội đồng Đội huyện Đức Hòa trao tiền hỗ trợ cho 3 em có cha mẹ bị điện giật tử vong tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa
Cách đây hơn 10 năm, chị Đỗ Thị Biên, ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, từng có một gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc ấy vụt tắt khi chồng chị không may bị điện giật qua đời. Cho đến bây giờ, với chị, nỗi đau ấy vẫn còn âm ỉ.
Chị nói: “Anh là trụ cột gia đình, bỗng chốc lại ra đi khiến tôi và các con hụt hẫng, suy sụp. Một mình tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi 4 đứa con nhỏ nhưng với đồng lương công nhân, lại không có đất sản xuất, cuộc sống của mẹ con tôi rất vất vả”.
Gần đây nhất, tại Công ty TNHH ANT (chuyên sản xuất thức ăn gia súc), xã Long Cang, huyện Cần Đước, xảy ra vụ TNLĐ thương tâm làm 1 người tử vong. Nạn nhân là anh H.V.H, 34 tuổi. Vì mưu sinh, anh H. rời mảnh đất Cà Mau để lập nghiệp xứ người. Anh mất đi khi tuổi đời còn khá trẻ, để lại bao tiếc thương cho gia đình.
Cũng là nạn nhân của TNLĐ, anh Phạm Văn Thu, ngụ huyện Bến Lức, lại may mắn sống sót nhưng cả phần đời còn lại của anh phải nằm trên giường khi bị chấn thương đốt sống cổ, mất gần 95% sức LĐ. Tai nạn xảy ra cách đây hơn 15 năm trên đường đi công tác nhưng giờ nhắc lại, anh Thu vẫn chưa hết bàng hoàng.
Từ một người khỏe mạnh, LĐ chính trong gia đình, giờ đây phải nằm một chỗ. Tất cả sinh hoạt cá nhân đều trông chờ vào người mẹ già yếu và tiền lương công nhân của vợ. Với anh, điều hối tiếc nhất có lẽ là giá như ngày ấy, mình cẩn thận hơn.
Cần nâng cao nhận thức
Ghi nhận ý kiến một vài công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nhiều người LĐ còn chủ quan, chưa sử dụng các phương tiện bảo hộ LĐ trong quá trình làm việc hoặc có sử dụng cũng chỉ mang tính đối phó. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNLĐ xảy ra.
Người lao động cần trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động trong lúc làm việc
Anh Nguyễn Hữu Tình - công nhân thi công Đường tỉnh 830, chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, chủ đầu tư, nhà thầu đều hướng dẫn và trang bị bảo hộ LĐ cho công nhân nhưng chúng tôi ít sử dụng vì cảm thấy vướng víu. Đơn vị nhiều lần nhắc nhở nhưng được vài ngày lại đâu vào đó”.
Còn anh Huỳnh Văn Tường - công nhân Công ty Cổ phần Bao bì Đại Lục, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, cho rằng, do tính chất công việc nên hàng ngày, anh thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các thiết bị, máy móc.
Công việc của anh làm luân phiên theo ca, với những buổi làm đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ), anh và các công nhân khác phải chú ý an toàn trong quá trình làm việc, hạn chế những sự cố đáng tiếc.
“An toàn là bạn, tai nạn là thù” - khẩu hiệu quen thuộc khi chúng ta đi qua các công trình xây dựng bởi lĩnh vực này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Giám đốc liên doanh Công ty Cổ phần Xây dựng An Đại Lộc và Công ty Cổ phần Xây dựng Nguyên Vũ - Bùi Sỹ Ân thông tin, với ngành nghề chính là xây dựng, công ty có nhiều dự án, công trình tại Long An. Công ty luôn chú trọng đến ATLĐ, nhất là những ngày cuối năm, nên thường xuyên nhắc nhở, giám sát, quản lý hoạt động an toàn cho người LĐ; tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh LĐ, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân;...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên cho biết, những năm gần đây, khi các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển kéo theo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong dịp tết, tạo nên áp lực vào những ngày cuối năm, nhiều doanh nghiệp, đơn vị chủ động tăng ca. Người LĐ và người sử dụng LĐ cần trang bị những kỹ năng để phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ngoài tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật liên quan, ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra, tổ chức các lớp tập huấn theo nhóm đối tượng. Đồng thời, người LĐ và người sử dụng LĐ phải tự nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật về ATLĐ.
Ông Hoa Thanh Niên cho biết thêm, những ngày giáp tết và trong năm 2019, ngành tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền ATLĐ, tập trung nhiều vào những ngành nghề về điện, xây dựng,... nhằm nâng cao ý thức cho người sử dụng LĐ và người LĐ. Không những vậy, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các công trình,... về những quy định của Luật An toàn, vệ sinh LĐ.
Qua đó, kịp thời nhắc nhở những thiếu sót, tồn tại trong ATLĐ để doanh nghiệp, người sử dụng LĐ và người LĐ kịp thời khắc phục, cải thiện, đáp ứng yêu cầu về an toàn. Đối với các doanh nghiệp, những thời điểm chuẩn bị cho các kỳ nghỉ dài, cần rà soát lại các kế hoạch về an toàn, để sau thời gian nghỉ phải có bước kiểm tra, đánh giá mới cho phép người LĐ quay lại làm việc.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người. Người LĐ dùng sức LĐ của mình để làm công, hưởng lương thì cần phải hết sức yêu quý, trân trọng sức khỏe, tính mạng của chính mình. Người LĐ và các công ty cần tuân thủ các quy định về ATLĐ để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra./.
"Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ TNLĐ, giảm so với cùng kỳ năm 2017 (14/20). Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Long An xảy ra 17 vụ TNLĐ làm 17 người chết, 44 người bị thương.
Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu là do người lao động (LĐ) còn chủ quan, lơ là; người sử dụng LĐ cố ý không chấp hành Luật An toàn, vệ sinh LĐ; người sử dụng LĐ thiếu quan tâm, đầu tư cải thiện điều kiện LĐ; đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn; không huấn luyện an toàn vệ sinh LĐ cho người LĐ; không thực hiện đúng nội quy quy trình an toàn LĐ; bố trí LĐ làm việc không phù hợp; thiếu kiểm tra, nhắc nhở người LĐ tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh LĐ,...”.
Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên
|
Song Nhi