Tiếng Việt | English

22/10/2015 - 17:29

"Bàn tay nặn bột" - phương pháp dạy học hiệu quả

Phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) - phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh (HS) tự nghiên cứu, tìm tòi và khám phá tri thức mới. Phương pháp này hiện được nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Long An áp dụng và mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho toàn ngành.


Học sinh thảo luận theo nhóm

Học sinh tự tìm hiểu kiến thức mới

Với phương pháp “Bàn tay nặn bột”, HS đóng vai trò trung tâm. Lớp học sẽ chia thành nhiều nhóm nhỏ. Khi giáo viên đưa ra tình huống, vấn đề, HS sẽ tự nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra ý kiến riêng của mình. Nhóm diễn đạt bằng cách viết lời hoặc vẽ tranh. Sau khi tổng hợp ý kiến của các thành viên, các nhóm sẽ cùng thảo luận, chất vấn nhau về những nhận định, ý kiến của nhóm bạn. Kế đó, HS sẽ được quan sát thực tế hoặc thí nghiệm và tự rút ra kết luận đúng. Sau đó, đối chiếu lại với nhận định ban đầu để có sự điều chỉnh theo hướng đúng nhất. Phương pháp này được áp dụng ở tất cả các khối lớp, trong đó, môn Tự nhiên-Xã hội ở khối 1, 2 và 3; môn Khoa học ở khối 4,5.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung - giáo viên Trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) cho biết: Khi áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, không khí học tập rất sôi nổi, HS được tự do phát biểu những suy nghĩ cũng như bảo vệ ý kiến của mình. Theo trình tự của phương pháp, HS dần dần tự khám phá được nội dung bài học. Nhờ đó, các em hiểu bài kỹ, khắc sâu nội dung được học và hứng thú hơn trong quá trình học.


Học sinh trình bày ý kiến nhận xét của nhóm mình

“Với phương pháp dạy học BTNB, suy nghĩ của HS về câu hỏi, vấn đề giáo viên đưa ra hoàn toàn xuất phát từ những hiểu biết ban đầu của các em, trên cơ sở đó, bài giảng và những gợi ý của giáo viên được phát triển thêm. Trong quá trình đi tìm kết luận đúng, ở mỗi bước, các em tự rút ra cho mình bài học riêng. Và, khi kết nối các vấn đề cũng như quan sát thực tế, thí nghiệm, các em tự rút ra kết luận đúng” - cô Lê Thị Tuyết Vân, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) cho biết.

Học sinh phát triển các kỹ năng

Khi áp dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, khác xa với phương pháp dạy truyền thống - giáo viên đặt câu hỏi, HS trả lời. Nhờ vậy, mỗi HS rèn luyện cho mình kỹ năng suy nghĩ độc lập, cách thức phối hợp hiệu quả khi làm việc nhóm và khả năng tự tin trình bày trước đám đông. Trong phần vẽ và diễn đạt bằng viết lời, HS rèn luyện thêm kỹ năng chuyển từ văn nói sang văn viết cũng như thể hiện bằng hình ảnh thông qua vẽ tranh.

Cô Nguyễn Thị Cầm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non chia sẻ: Trường áp dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” đã 4 năm. Thời gian đầu mới áp dụng, trường chỉ cho dạy ở một số bài có nội dung phù hợp. Hiện, trường tăng từ 12-13 bài áp dụng phương pháp này trong chương trình học của HS. Phương pháp này giúp HS thích học, phát triển các kỹ năng một cách toàn diện hơn./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết