Tiếng Việt | English

22/01/2016 - 18:10

Bánh tét - góp chút hương xuân

Nếu như ở miền Bắc, ngày tết không thể thiếu bánh chưng xanh thì với miền Nam, bánh tét là một trong những món ngon không thể thiếu trong dịp đón năm mới. Vẫn là gạo nếp, đậu xanh, mỡ heo nhưng bánh tét không cầu kỳ, tỉ mỉ như cách gói bánh chưng xứ Bắc mà lại giản dị như tính cách thật thà, chất phác của những người dân quê Nam bộ,...


Xóm bánh tét ở khu phố II, thị trấn Đức Hòa tất bật mỗi độ xuân về

Khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa có khoảng 20 hộ gắn bó với nghề gói bánh tét, bánh ú. Vào thời điểm này, không khí tại khu phố nhỏ càng khẩn trương, củi được chất ngoài sân thành từng đống cao ngất, tất cả các thành viên trong gia đình từ người già cho đến trẻ nhỏ đều tham gia gói bánh, tiếng nói, tiếng cười thêm rộn rã trong những ngày cuối năm.

Bà Thạch Thị Hẹ (63 tuổi) cho biết: Tôi không rõ nghề này có chính xác từ lúc nào, chỉ biết rằng ngày xưa, mẹ tôi làm nghề gói bánh đem đi bán dạo, con gái lớn lên được mẹ truyền nghề, rồi đến con gái, con dâu tôi cũng theo nghề gói bánh tét.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Ba, ở khu phố 1, thị trấn Đức Hòa chia sẻ: “Ở đây, có một khu phố nổi tiếng chuyên sống bằng nghề gói bánh tét bỏ mối khắp nơi, đó là khu phố 2. Ngày thường, khu phố này rất nhộn nhịp, thời điểm gần tết lại càng sôi động hơn. Ngoài loại bánh tét truyền thống gồm có nhân đậu xanh, thịt mỡ, còn có bánh tét lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng); bánh tét ngũ sắc (thêm nếp nhuộm màu xanh lá dứa và màu đỏ trái gấc, màu tím lá cẩm); bánh nhân đậu ngọt, nhân dừa, bánh tét chay, bánh tét chuối,...

Người thợ phải thật khéo tay mới có được chiếc bánh tét đẹp

Để gói được chiếc bánh tét đẹp, người thợ phải thật khéo tay để tạo hình cũng như định dạng bánh. Hằng ngày, khoảng 3 giờ sáng, xóm bánh tét lại sáng đèn. Người thì lên đường đem bánh ra các đầu mối; người thì rửa lá, gút đậu chuẩn bị gói tiếp đợt bánh mới,... Thông thường, đàn ông đảm trách việc vận chuyển và phân phối bánh, phụ nữ đảm nhận việc chuẩn bị nguyên liệu, gói và nấu bánh.

Bình quân, mỗi ngày, các hộ trong xóm sử dụng 2-3 tấn nếp để làm bánh. Nếu như bánh chưng của người miền Bắc được gói từ lá dong thì bánh tét miền Nam được gói bằng lá chuối. Những tháng cận tết, vào khoảng tháng 11 âm lịch, bà con thường tỏa đi đến các huyện lân cận thu mua nếp tươi, rồi đi đến các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước tìm nguồn đậu xanh, đậu đen mua về dự trữ, lá chuối thì những thương lái thu gom từ các nơi về bán lại.

Chị Nguyễn Thị Sa, chuyên gói bánh thuê cho các hộ trong xóm cho biết: Khác với ngày thường, thời điểm cận tết, đơn đặt hàng lại càng nhiều hơn. Mỗi ngày, tôi gói được hơn 100 xâu bánh nhưng làm cho nhiều hộ, nếu cố gắng nhanh tay, có khi tôi kiếm được hơn 200.000 đồng/ngày. Mỗi đòn bánh tét ở đây được bỏ mối từ khoảng 3.500-4.500 đồng/đòn, người ta lấy lại rồi bán ra với giá 5.000 đồng/đòn. Nguyên liệu đầu vào phải được chọn lựa thật kỹ. Nếp mua tận Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành mới dẻo và thơm, thịt ba rọi phải ngon, đậu xanh tròn hạt và đều nhau. Lá chuối gói bánh to bản, tươi xanh, dây cột chắc, bền để nước không thấm vào khi nấu. Ở đây, nhà nào cũng dự trữ từ vài trăm đến cả tấn nếp để gói bánh, ngày tết còn nhiều hơn do có thêm đơn đặt hàng từ TP.HCM.

Hơn 40 năm nay, bánh tét Đức Hòa trở thành một thương hiệu nổi tiếng không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn lan ra nhiều tỉnh, thành lân cận.


Bánh tét Thủ Thừa được gói bằng dây bàng, dây lác đúng kiểu truyền thống ngày xưa

Chưa được công nhận là làng nghề như bánh tét Đức Hòa, xã Bình An (huyện Thủ Thừa) cũng có 3 hộ làm bánh tét từ mấy chục năm nay. Trong đó, có lẽ nổi tiếng nhất là lò bánh tét Chín Mai duy trì được trên 30 năm. Được mẹ truyền nghề từ khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Kiều Mai, chủ lò bánh tét Chín Mai dành cả cuộc đời gắn bó với cái nghiệp tất bật bên đậu, nếp, củi lửa này. Theo chị, 4 giờ sáng, gia đình chị tất bật dậy ngâm, vo đậu, nếp rồi xào với nước cốt dừa cho béo, thơm. Nhân đậu xanh, nhân chuối cũng được chuẩn bị sẵn để sáng hôm sau, mọi người chỉ tập trung gói bánh. Nói nghe chừng đơn giản vậy nhưng cũng là cả một quá trình kỳ công chuẩn bị. Lá chuối phải là loại to bản, từng lá đem về phải được lau sạch bụi, phấn, dây cột cũng không dùng dây nylon mà phải dùng loại dây bàng, dây lác, đúng kiểu gói bánh truyền thống của các bà, các mẹ ngày xưa.

Bà Nguyễn Thị Điền (84 tuổi), dì của chị Mai, là một trong những người cao tuổi nhất “bám trụ” với nghề làm bánh này. “Bánh ai gói dây gân (dây nylon) chứ tui vẫn gói bằng dây lác, vừa siết chặt bánh mà vừa đẹp nữa. Tui làm từ thời con gái chưa lấy chồng, nay ở đây, mấy cháu nhỏ 14, 15 tuổi cũng biết gói bánh”.

Được biết, lò bánh hiện tại trung bình làm được 700 đòn/ngày nhưng khoảng 26 âm lịch trở đi thì số lượng tăng lên có khi hơn gấp đôi ngày thường. Hơn cả ngàn đòn bánh tét mỗi độ cận tết, cả nhà phải huy động toàn bộ lực lượng, hàng xóm láng giềng tổng cộng mười mấy người luôn tay gói bánh, nấu bánh cho kịp giao hàng. Tất bật là vậy, cái nghề rồi cũng là cái nghiệp, họ làm bánh để mưu sinh và cũng là giữ nghề truyền thống gia đình.

Một mùa xuân nữa lại về, những nghề truyền thống phục vụ tết lại khẩn trương, tất bật. Bên cạnh những ngành nghề như làm bánh tráng, bánh in, mứt tết, lạp xưởng,... thì nghề gói bánh tét cũng góp phần mang một nét văn hóa đặc trưng riêng của cái tết Nam bộ./.

Song Hồng - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết