Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 04:23

Báo chí, niềm tin và trách nhiệm

Vai trò của báo chí ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội. Niềm tin dành cho báo chí càng cao thì trách nhiệm của cơ quan truyền thông, những người làm nghề càng phải thể hiện xứng đáng. Đó là yêu cầu đã và đang được đặt ra đối với những người làm báo.

Hàng ngày, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết đến những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, cách làm hay trong xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới,...

Đó chính là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước, qua báo chí càng tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, các phương tiện truyền thông luôn dành trang, mục, thời lượng tuyên truyền phù hợp nhằm nhân rộng những điển hình, nhân tố tích cực, cổ vũ các phong trào, góp phần củng cố, khẳng định niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, những góc khuất, vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội cũng được kịp thời phản ánh. Đó là những bài viết, phóng sự, phóng sự điều tra góp phần đưa nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, oan sai,... ra ánh sáng.

Những mặt trái của xã hội, báo chí không ngại phanh phui. Điều đó không phải chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu công chúng, mà quan trọng hơn, đó chính là trách nhiệm, đồng thời thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đáp lại niềm tin của công chúng.

Chống tiêu cực, nhà báo đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi sản phẩm của mình đến với mọi người, tạo hiệu ứng xã hội tốt, họ vỡ òa trong hạnh phúc, mọi mệt nhọc dường như tan biến.

Chính lòng nhiệt huyết với nghề, cái tâm của người cầm bút giúp họ luôn tràn đầy sinh lực, đủ dũng khí đấu tranh chống lại những cái ác, cái xấu, điều “chướng tai gai mắt”, dấn thân trên bước đường đã chọn. Đây chính là điều đáng quý, luôn cần được trân trọng.

Nói thế, không phải tất cả những người làm báo đều làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, xứng đáng với niềm tin của xã hội. Những vụ nhà báo bị khởi tố, vướng vòng lao lý thời gian qua là bài học chung cho những người trong nghề. Hiện tượng “sao” ở một số nhà báo trẻ, sự quá đà của truyền thông gây bất bình trong dư luận xã hội thời gian qua,... cũng là những điều đáng suy ngẫm.

Người làm báo, dù viết mặt tích cực hay tiêu cực trong đời sống xã hội đều cần làm nghề bằng cả trái tim, phản ánh trung thực vấn đề, cung cấp đến mọi người cái nhìn khách quan nhất.

Thể hiện trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình, những người làm báo cần luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn,... Có tôn trọng công chúng, ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, những người làm báo mới có được những sản phẩm báo chí tốt.

Đáp lại niềm tin của công chúng, báo chí cần nêu cao trách nhiệm xã hội, người làm báo luôn giữ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”./.

Long An 

Chia sẻ bài viết