Nhiều vụ vi phạm an toàn điện
Theo số liệu thống kê, năm 2016, toàn tỉnh Long An xảy ra 7 vụ vi phạm an toàn điện do phương tiện thi công gây ra. Từ đầu năm 2017 đến nay, xảy ra 6 vụ, trong đó, Bến Lức 3 vụ, Đức Hòa 2 vụ. Gần đây nhất là vụ vi phạm an toàn lưới điện khi thi công tại Đường tỉnh 830 trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Ngày 12/6, chiếc xe cẩu thi công Đường tỉnh 830 tại điểm cầu An Hạ thuộc ấp 1B, xã Hựu Thạnh, làm đứt dây điện 22kV. Sự cố này gây mất điện cục bộ tại xã Hựu Thạnh, một phần thị trấn Đức Hòa và 3 xã: Lương Bình, Lương Hòa, An Thạnh của huyện Bến Lức. Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người.
Một số đơn vị thi công công trình đưa xe cẩu rất gần đường dây điện, gây mất an toànNhững sự cố về điện cho thấy, các đơn vị thi công bất chấp sự cảnh báo nhiều lần của đơn vị quản lý, vận hành lưới điện. Tất cả hành vi này vi phạm Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.
Ngoài ra, khi vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chủ động ngăn chặn
Nhiều năm qua, việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và tai nạn điện trong dân luôn là vấn đề "nóng" được ngành Điện đặc biệt chú trọng. Công ty Điện lực Long An và các đơn vị thành viên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
Bằng các biện pháp chủ động, các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam thực hiện các chương trình phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc phát tại các trung tâm dịch vụ khách hàng của các điện lực huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao ý thức người dân; tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đối với các đơn vị thi công công trình, các tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh sống gần các công trình lưới điện cao áp,...
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia dán đề can tuyên truyền tại các buồng lái xe cẩu, xe máy xúc, sà lan gắn cần cẩu, các phương tiện tàu thuyền lớn,... thường xuyên qua lại phía dưới đường dây, có nguy cơ gây sự cố; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
Đức Hòa là địa phương có mật độ dân cư cao, nhiều khu, cụm công nghiệp. Do đó, Điện lực Đức Hòa luôn chủ động triển khai từ rất sớm các công việc cần thiết để bảo đảm an toàn điện.
Giám đốc Điện lực Đức Hòa - Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: "Đơn vị triển khai trong cán bộ, nhân viên tăng cường kiểm tra, tuần soát nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ sự cố cũng như các nơi có những công trình xây dựng để cảnh báo đến đơn vị thi công, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Chúng tôi chủ động đến làm việc với các đơn vị thi công các công trình để cảnh báo các nguy cơ mất an toàn về điện. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền đến người dân để góp phần giám sát cùng ngành Điện nhằm ngăn ngừa các sự cố".
Để giảm sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân, nếu chỉ có sự vào cuộc của ngành Điện là chưa đủ. Rất cần sự quan tâm phối hợp từ các địa phương, ban, ngành trong công tác bảo vệ hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và tuyên truyền an toàn điện, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sự cố, tai nạn điện,...
Mặc dù vào mùa cao điểm của các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng cầu, đường nhưng công tác an toàn điện trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được bảo đảm, lưới điện vận hành ổn định, hạn chế để xảy ra tai nạn điện, các sự cố mất điện được xử lý nhanh chóng và khắc phục kịp thời./.
Song Hồng - Hải Phong