Tiếng Việt | English

11/11/2019 - 08:28

Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Gò Ông Lẹt

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử (DTLS) Gò Ông Lẹt trên địa bàn. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
 Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Gò Ông Lẹt thuộc ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận. Đây là một gò đất cao, ít bị ngập vào mùa nước nổi, xung quanh là đồng ruộng trống. Chính địa thế thuận lợi này mà địch chọn Gò Ông Lẹt làm căn cứ dã chiến liên hoàn với căn cứ Măng Đa (nay thuộc thị trấn Vĩnh Hưng), vừa để bảo vệ quận lỵ Tuyên Bình, đào tạo gián điệp, khống chế hành lang chiến lược của ta.

Vào khoảng tháng 9/1965, Mỹ, ngụy đưa một đại đội biệt kích có 4 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy từ căn cứ Măng Đa đến đóng tại Gò Ông Lẹt nhằm đánh phá và ngăn chặn tuyến hành lang huyết mạch quan trọng của ta từ biên giới xuống Vùng 4 và các chiến trường trọng điểm của Khu 8, Khu 9 ở Đồng Tháp Mười. Sau 1 tháng trinh sát, vào đêm 16, rạng sáng ngày 17/11/1965, quân và dân Kiến Tường phối hợp đánh tập kích, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên, bắt sống 10 tên, thu 51 súng các loại, 1 chiếc bo bo,… Chiến thắng Gò Ông Lẹt là chiến công của quân - dân Vùng 8 nói riêng  (nay là huyện Vĩnh Hưng) và quân - dân Kiến Tường nói chung, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang Kiến Tường, ghi đậm thêm một điểm son chiến thắng cho vùng đất nơi đây thời kỳ 21 năm diệt ngụy, tạo khí thế và gây tiếng vang lớn cho phong trào cách mạng vùng Đồng Tháp Mười.

Di tích Gò Ông Lẹt là nơi ghi nhận những đóng góp lớn lao của người dân Đồng Tháp Mười đối với cách mạng. Năm 1997, Gò Ông Lẹt được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Đây là niềm vui, tự hào của người dân nơi đây. 

Hàng tháng, Đoàn xã Vĩnh Thuận tổ chức các hoạt động vệ sinh, phát quang cây, cỏ tại khu di tích

Hàng tháng, Đoàn xã Vĩnh Thuận tổ chức các hoạt động vệ sinh, phát quang cây, cỏ tại khu di tích

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị DTLS trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thuận có nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực. Theo đó, công tác quản lý, bảo vệ, vệ sinh môi trường và phát huy giá trị của DTLS được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bí thư Đoàn xã Vĩnh Thuận - Trần Văn Hiện cho biết: “Hàng tháng, Đoàn xã tổ chức các hoạt động trồng cây, vệ sinh, phát quang cây cỏ; sinh hoạt truyền thống về trận đánh lịch sử tại khu di tích. Thông qua các hoạt động này góp phần nâng cao hiểu biết, giúp mỗi đoàn viên, thanh niên, học sinh ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình để sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, chung tay giữ gìn và bảo vệ cảnh quan của khu di tích”.

Tại Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Thuận, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh được thực hiện thường xuyên nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương cho các em. Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Thuận - Nguyễn Tiến Thành chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha anh; cố gắng học tập để có thể góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ngoài ra, chúng tôi còn phân công mỗi tuần một lớp vệ sinh khu di tích và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ”. 

Có thể nói, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị DTLS không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay mà còn thể hiện sự tri ân, lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy tốt giá trị lịch sử của dân tộc./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết