Tiếng Việt | English

10/08/2021 - 10:26

Bảo vệ an ninh, trật tự qua Zalo

Đưa ứng dụng Zalo vào phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm là cách làm mới, mang lại hiệu quả cao. Thông qua ứng dụng Zalo, nhiều vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự (ANTT) được lực lượng công an nắm bắt kịp thời, giải quyết nhanh chóng.

Trang Zalo tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của Công an xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa

Phát huy ưu điểm của mạng xã hội

Xây dựng, phát triển các mô hình phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Phát huy ưu thế của mạng xã hội, vài năm trở lại đây, mô hình Zalo phòng, chống tội phạm được triển khai nhân rộng ở nhiều nơi trong tỉnh.

Mô hình Zalo tuyên truyền, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Công an xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được thành lập từ tháng 8/2019 và duy trì hoạt động đến nay. Trong quá trình thực hiện mô hình, Công an xã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, lực lượng nòng cốt, đoàn viên, hội viên và người dân hiểu, cùng tham gia.

Cầm điện thoại trên tay, anh Nguyễn Văn Hoàng, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, bấm vào trang Zalo phòng, chống tội phạm của Công an xã để theo dõi tình hình địa bàn. Trên trang Zalo này, lực lượng công an đăng tải nhiều nội dung liên quan đến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó nhiều nhất là những thông tin về tình hình ANTT tại địa bàn, thủ đoạn của các loại tội phạm,...

Mở nhóm Zalo Công an xã Mỹ Hạnh Bắc, đọc qua một lượt, anh Hoàng chia sẻ: “Từ ngày biết mô hình, khi có vấn đề liên quan đến ANTT tại địa phương, tôi đều thông tin ngay cho lực lượng công an. Những thông tin Công an xã đăng tải trên Zalo giúp tôi nâng cao hơn ý thức cảnh giác, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản và phát hiện, tố giác tội phạm”.

Ngoài các thông tin về ANTT, phòng, chống tội phạm, Công an xã còn sử dụng trang Zalo để cung cấp cho người dân các thông tin về thủ tục hành chính cần thiết như cấp, đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu; căn cước công dân; phòng cháy, chữa cháy,… “Qua Zalo, người dân được hướng dẫn, tư vấn, giải đáp cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, thời gian qua, mô hình còn góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng” - anh Phan Văn Hậu, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, cho biết.

Hiện huyện Tân Trụ thành lập được 54 nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng, chống tội phạm, có phân công nhóm trưởng theo dõi, quản lý, điều hành. Chỉ cần một điện thoại thông minh có cài đặt Zalo và kết nối wifi hoặc 3G, người dân có thể cung cấp nhiều thông tin về ANTT, tội phạm cho lực lượng công an một cách nhanh chóng, đầy đủ.

Qua mô hình, người dân cung cấp gần 100 nguồn tin có giá trị cho lực lượng chức năng, giúp lực lượng công an đấu tranh, làm rõ 76 vụ việc về ANTT, xử lý 175 đối tượng; triệt xóa 11 tụ điểm cờ bạc, đá gà và bắt quả tang, xử lý 84 đối tượng; phát hiện, xử lý 12 đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và 21 đối tượng tụ tập gây rối đánh nhau.

“Thông qua mô hình, công an còn tiếp nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm và nhanh chóng xác minh làm rõ, bắt giữ 13 đối tượng” - Thượng tá Nguyễn Văn Lưu - Trưởng Công an huyện Tân Trụ, thông tin.

Có sự tương tác qua lại kịp thời

Là cửa ngõ miền Tây Nam bộ, giáp TP.HCM, phát triển công nghiệp nên lượng công nhân đến sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh rất đông. Xác định là địa bàn tương đối phức tạp về ANTT, thời gian qua, tỉnh xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó, mô hình Zalo phòng, chống tội phạm rất phù hợp với thực tế, cho thấy sự tiện lợi, hiệu quả khi áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về ANTT hiện nay.

Một vụ tụ tập đánh bạc bị công an triệt xóa từ tiếp nhận tin báo tố giác qua Zalo (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, người dân sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội Zalo khá phổ biến, vì vậy, mô hình này có nhiều lợi thế để phát huy, nhân rộng. Mô hình chính là kênh thông tin kết nối, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo đảm ANTT tại địa bàn. Điểm nổi bật của mô hình là thông tin nhanh, thuận lợi, lan tỏa sâu, rộng, nhiều người biết và đặc biệt là có sự tương tác giữa người cung cấp và tiếp nhận thông tin.

Khi phản ánh ANTT, tội phạm, người dân có thể thông tin qua Zalo bằng nhiều hình thức như nhắn tin, gọi hoặc gửi những hình ảnh, video về sự việc để tăng tính xác thực. Đối với những thông tin, phản ánh, tố cáo tội phạm, lực lượng công an luôn bảo đảm bí mật nguồn tin.

Theo Thượng tá Ngô Văn Nho - Phó Trưởng phòng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh lập 301 nhóm Zalo tố giác tội phạm với 10.100 thành viên tham gia. Trong đó, cấp huyện 25 nhóm, 725 thành viên; cấp xã 276 nhóm, gần 10.000 thành viên.

6 tháng đầu năm 2021, qua những nhóm Zalo này, công an đã đăng gần 3.000 tin, chủ yếu về ANTT, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Thông qua ứng dụng Zalo, lực lượng chức năng được người dân cung cấp gần 1.800 tin nhắn liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

Với những hiệu quả đã mang lại, mô hình Zalo tuyên truyền pháp luật, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm đã góp phần thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu. Thời gian tới, mô hình này tiếp tục được áp dụng, nhân rộng ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích