Tiếng Việt | English

04/10/2024 - 08:57

Bảo vệ trẻ cần bắt đầu từ gia đình!

8 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 30 vụ xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi. Đây là con số không hề nhỏ, đặt ra vấn đề về việc bảo vệ trẻ em.

Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm về việc bảo vệ trẻ khỏi bạo hành, xâm hại từ góc nhìn gia đình.

Minh họa: Internet

- PV: Thưa bà, theo bà thì trẻ em ngày nay đang đối diện với nguy cơ bị xâm hại nói riêng và bạo hành nói chung ra sao?

Bà Nguyễn Thụy Thắm: Nói về nguy cơ trẻ bị bạo hành thì trước hết cần nói rõ hơn về bạo hành. Bạo hành tôi muốn nói đến ở đây bao gồm cả bạo hành về thể chất và tinh thần. Đó có thể là sự đánh đập, hành hạ, bắt buộc trẻ lao động hoặc xâm hại trẻ.

Bạo hành về tinh thần bao gồm cả việc dùng lời nói tổn thương trẻ, đặt áp lực quá lớn vào trẻ hoặc kỳ thị, sỉ vả trẻ khiến trẻ bị tổn thương bằng chính lời nói của mình.

Đối tượng gây ra sự bạo hành đa số có mối quen biết nhất định với trẻ và gia đình, đó là điều kiện thuận lợi để họ có thể lợi dụng gây hành vi xấu.

Trong xã hội hiện đại, việc kết nối và chia sẻ thông tin chưa bao giờ dễ dàng như vậy. Trẻ có cơ hội tiếp cận Internet từ rất sớm, chính vì thế rất dễ gặp phải những thông tin không tốt từ môi trường mạng và học theo.

Ví dụ nếu trẻ tò mò về các thói hư, tật xấu được nhắc đến trong các clip hoặc thích thú với cách ăn mặc không phù hợp với phụ nữ Á Đông thì sẽ tạo ra nguy cơ cho trẻ.

- PV: Nguyên nhân chính đến từ sự phát triển của xã hội hay còn một nguyên nhân nào khác không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thụy Thắm: Nguyên nhân chính không phải là sự phát triển của xã hội, bởi xã hội phát triển thì con người cũng cần phát triển để theo kịp điều đó nhưng bắt buộc phát triển đúng đắn. Khi mỗi cá nhân phát triển đúng đắn thì xã hội cũng sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Nguyên nhân chính là dù xã hội phát triển, sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong quan niệm, nếp nghĩ của xã hội khi tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân vẫn tồn tại; còn những người xem việc nhà là của phụ nữ và phụ nữ chỉ được bước ra xã hội khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở nhà; việc giáo dục trẻ trai tôn trọng phụ nữ chưa thực sự được chú trọng trong mỗi gia đình;...

Khi một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bất bình đẳng dễ nảy sinh ức chế, ngại giao tiếp, không biết cách bày tỏ cảm xúc hoặc cũng có xu hướng tổn thương người khác và tiếp tục vô thức hình thành một sự không công bằng khác trong gia đình và xã hội. Khi đó, trẻ thực sự không có được sự bình an, hạnh phúc và đó sẽ là “món mồi ngon” cho kẻ xấu.

Bên cạnh nguyên nhân chính, vẫn còn nhiều nguyên nhân khác như khó khăn về kinh tế, yếu kém về nhận thức và hiểu biết pháp luật,... Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là bất bình đẳng giới còn tồn tại trong xã hội và muốn thay đổi được điều đó cần phải thực hiện từ “gốc rễ”.

- PV: “Thay đổi từ gốc rễ”, bà có đề xuất gì nhằm thực hiện, đẩy mạnh sự thay đổi đó?

Bà Nguyễn Thụy Thắm: Chúng ta đều biết “gia đình là tế bào của xã hội” nên “thay đổi từ gốc rễ” mà tôi muốn nói chính là sự thay đổi từ gia đình.

Ông bà, cha mẹ cần ý thức được rằng mình có trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ hạnh phúc cho con trẻ, phải đặt hạnh phúc của con trẻ trong gia đình lên hàng đầu.

Vậy hạnh phúc của một đứa trẻ là gì? Trước hết là hạnh phúc của người lớn trong nhà, cụ thể là cha mẹ và ông bà hạnh phúc, yêu thương, gần gũi nhau. Thứ hai là sự thành công của người lớn trong gia đình. Trẻ sẽ rất tự hào khi cha mẹ mình là người tài giỏi, ở bất kỳ lĩnh vực, công việc nào. Sự thành công và tài giỏi mà tôi nhắc đến ở đây nghĩa là người lớn chúng ta hết lòng với công việc, có cơ hội phát triển bản thân dù cho chúng ta làm bất cứ công việc gì, chỉ cần không vi phạm pháp luật là được.

Bên cạnh sự bình an, hạnh phúc từ phía người lớn thì trẻ cũng cần được tôn trọng và lắng nghe trong gia đình. Sự lắng nghe giúp người thân có thể hiểu được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và cả những khó khăn mà trẻ đang gặp phải để hỗ trợ và bảo vệ trẻ.

Trẻ càng lớn càng muốn có không gian riêng và nếu cha mẹ không tôn trọng, không lắng nghe thì trẻ sẽ không cho phép cha mẹ bước vào thế giới riêng của mình.

- PV: Nhưng phải làm thế nào để có thể tôn trọng và lắng nghe trẻ, thưa bà?

Bà Nguyễn Thụy Thắm: Muốn lắng nghe được trẻ thì chúng ta phải lắng nghe “đứa trẻ” trong mình trước đã. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng từng là một đứa trẻ bằng tuổi con mình. Hãy nhớ lại ngày ấy mình mong mỏi và chờ đợi điều gì nhất, điều gì là quan trọng, ý nghĩa với mình nhất và nhìn con của hiện tại để hiểu phần nào những mong mỏi của con.

Tuy nhiên, xã hội phát triển không ngừng, trẻ của hôm nay nhạy bén và lanh lợi hơn rất nhiều những đứa trẻ hôm qua nên các bậc cha mẹ còn phải đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận những áp lực mà con đang phải chịu để có thể cảm thông với con.

Và quan trọng hơn nữa, cha mẹ phải học cách kiềm chế cảm xúc. Khi trẻ ở độ tuổi nổi loạn, có thể con rất khó khăn khi kiềm chế cảm xúc thì cha mẹ hãy làm gương cho con về điều đó.

- PV: Phải chăng vấn đề sẽ được giải quyết từ trong gia đình nhưng điều đó thực sự không hề dễ?

Bà Nguyễn Thụy Thắm: Đúng vậy, tôi nghĩ điều đó không hề dễ. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một chiến lược quốc gia về gia đình thì mọi việc có vẻ sẽ đơn giản hơn khi mọi thứ trở thành quy định, quy ước hoặc là tiêu chí phấn đấu của mỗi cộng đồng, làng xã.

Cộng đồng có thể quy ước với nhau về việc tất cả trẻ em trai đều được dạy về việc tôn trọng trẻ em gái và quy ước đó đưa vào văn bản trong những ngày hội của cộng đồng thì dần dần sẽ có những sự thay đổi nhất định.

Bên cạnh đó, tôi vẫn cho rằng, khi mỗi cá nhân, tập thể nào đó phát hiện và đưa ra cộng đồng một vụ việc bạo hành gia đình thì cá nhân, tập thể đó cần được tuyên dương và cộng đồng, làng xã đó không nên bị “trừ điểm thi đua”.

Pháp luật rất đúng đắn trong việc luôn bảo vệ phụ nữ, trẻ em, tuy nhiên, cần có thêm sự thay đổi từ trong nếp nghĩ của xã hội thì trẻ mới được bảo vệ một cách tốt nhất.

- PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết