Tiếng Việt | English

01/06/2022 - 13:41

'Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động'

Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” là bước khởi động cho những hoạt động khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đến hàng triệu trẻ em.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tháng hành động vì trẻ em được phát động vào tháng Sáu hằng năm mở đầu những ngày Hè vui, bổ ích của trẻ em cả nước. Năm nay, các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em tập trung dành mọi quan tâm chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có cơ hội phát triển bình đẳng như bao trẻ em khác.

Trong buổi lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em diễn ra tối ngày 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động. Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.”

Chỉ số phúc lợi trẻ em thụt giảm vì COVID-19

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng sâu sắc tới toàn xã hội, đời sống của nhân dân, đặc biệt là trẻ em. Đại dịch COVID-19 tác động nhiều chiều đến trẻ em như đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè.

Ước tính có 7,35 triệu học sinh các cấp phải học trực tuyến thuộc 26 tỉnh, thành phố, bị gián đoạn chất lượng giáo dục. Trong đó, việc học tập của nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập và nhóm trẻ em khuyết tật bị gián đoạn, do các em thiếu phương tiện để duy trì việc học tập trực tuyến… càng làm gia tăng bất bình đẳng.

Đáng lưu ý, theo thống kê, đến nay cả nước có hơn 4.300 trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam. Đây là vấn đề sẽ tác động lâu dài và ảnh hưởng đến việc phát triển sau này của trẻ em.

Sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19, trẻ em đã có thể trở lại học tập trực tiếp. (Ảnh: TTXVN)

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã thấy sự sụt giảm trong nhiều chỉ số về phúc lợi của trẻ em, bao gồm các chỉ số liên quan đến sức khỏe trẻ em cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, dinh dưỡng, học tập, bảo vệ khỏi bạo lực, tiếp cận nước và vệ sinh và mức độ bao phủ trợ cấp xã hội.”

“UNICEF ước tính rằng cứ 5 trẻ em ở Việt Nam thì có 1 em có nguy cơ nghèo đa chiều . Điều này càng nghiêm trọng hơn ở vùng nông thôn và ở trẻ em thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số,” bà Rana Flowers cho hay.

Hành động thiết thực, mạnh mẽ hơn

Trong bối cảnh đó, việc phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” là bước khởi động cho những hành động khắc phục những tác động lâu dài của đại dịch đến hàng triệu trẻ em đồng thời tập trung những nỗ lực để bảo đảm về đích các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào năm 2025 và 2030 như Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển trẻ em của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Tháng hành động vì trẻ em năm nay ý nghĩa hơn vì sau rất nhiều khó khăn, thử thách của đại dịch COVID-19, trẻ em lại được trở lại trường học, gặp mặt thầy cô giáo, bạn bè thân thương; lại có mùa Hè hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Trên cơ sở đó, các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em chú trọng tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chăm sóc sức khỏe tâm thần; triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới trẻ em; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tỷ suất tử vong và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em; giảm thiểu sang chấn tâm lý trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi: “Thông qua Tháng hành động này, mỗi bậc cha, mẹ, ông, bà, mỗi gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát bảo đảm an toàn cho con em mình, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em. Mỗi cá nhân và cộng đồng hãy lên tiếng, tích cực phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng.”

“Chúng ta cần hành động thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, được chăm sóc, nuôi dưỡng và được hưởng đầy đủ các quyền của mình,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo bà Rana Flowers, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới những em dễ bị tổn thương nhất, quan tâm đến tất cả các em mà sự phát triển đã bị đình trệ trong suốt hai năm vừa qua.

“Chúng ta phải khẩn trương giải quyết tình trạng chậm phát triển trí tuệ do dinh dưỡng kém, tình trạng các em không được đi học do trường học đóng cửa, tình trạng bỏ lỡ tiêm chủng và tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng và sự chịu đựng âm thầm do căng thẳng, sự cô đơn gia tăng và thường xuyên hơn cả đó là bạo lực gia đình,” bà Rana Flowers nói.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Chúng ta phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em”./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết