UBND huyện Bến Lức công khai thông tin các dự án đến từng hộ dân bị ảnh hưởng
Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu
Huyện Bến Lức nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, kết nối giữa TP.HCM, miền Đông Nam bộ với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Với vị trí thuận lợi, giàu tiềm năng, những năm qua, huyện tập trung phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, đô thị với nhiều kết quả nổi bật, trở thành điểm sáng của tỉnh. Song song đó, huyện được đầu tư nhiều dự án (DA) giao thông trọng điểm có tính chiến lược, kết nối vùng và khu vực. Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện được đầu tư DA Đường tỉnh (ĐT) 830E - công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với chiều dài 7,3km đi qua địa bàn thị trấn Bến Lức và các xã: An Thạnh, Thanh Phú, Long Hiệp. Ngoài ra, DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư ĐT830E và phát triển đô thị xã Thanh Phú cùng DA thành phần 8 của đường Vành đai 3 TP.HCM được triển khai trên địa bàn huyện hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bến Lức vươn lên phát triển KT-XH.
Theo Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân, để bảo đảm tiến độ các DA, huyện xác định công tác bồi thường, GPMB là một trong những chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình số 10 cụ thể hóa Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban và tổ giúp việc, xây dựng quy chế hoạt động; thành lập tổ tuyên truyền, vận động do Trưởng ban Dân vận Huyện ủy làm tổ trưởng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận khi triển khai các DA, trọng tâm là công trình trọng điểm của huyện và các DA trọng điểm của tỉnh trên địa bàn.
Đặc biệt, từ năm 2022, Ban Dân vận Huyện ủy Bến Lức phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy, UBND huyện, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đảng ủy các xã, thị trấn nơi có công trình trọng điểm đi qua xây dựng mô hình Dân vận khéo Tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về chủ trương bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư đối với DA ĐT830E; thành lập 12 tổ tuyên truyền, vận động sâu, rộng trong khu dân cư. Từ đó, tạo sức lan tỏa trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng bởi DA.
Với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, công tác bồi thường, GPMB nhất là các DA trọng điểm trên địa bàn huyện đạt kết quả tích cực với sự đồng thuận cao của người dân. Trong đó, DA ĐT830E đã chi trả bồi thường được 676/878 hộ, đạt 77% với tổng số tiền gần 1.170 tỉ đồng; DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư ĐT830E và phát triển đô thị xã Thanh Phú đã chi trả được 205 hộ với số tiền gần 600 tỉ đồng, hiện có thêm 53 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường nhưng chưa có nguồn vốn để giải ngân. Đặc biệt, tại DA thành phần 8 của đường Vành đai 3 TP.HCM dù mới triển khai, thực hiện nhưng huyện đã chi trả được 354/395 hộ, đạt 89,6% với tổng số tiền 767 tỉ đồng, dự kiến đến tháng 6/2023 sẽ hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để khởi công DA.
Khéo léo trong vận động, linh hoạt trong cách làm
Trước khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các địa phương trong vùng dự án đều thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Theo Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Văn Hoàng, công tác dân vận đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng DA. Ngay từ khi triển khai, Ban Dân vận Huyện ủy xây dựng chương trình cụ thể. "Chúng tôi phải rà soát ngay từ đầu tại các DA có bao nhiêu cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể. Cán bộ, đảng viên chúng tôi sẽ vận động trước, tiếp đó sẽ vận động đến hội viên các đoàn thể. Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu sẽ tạo được sức lan tỏa để vận động đến người dân.
Tại các địa phương, thậm chí, các hội, đoàn thể luôn là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động” - ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết.
“Khi người dân thấu hiểu và thấy được lợi ích từ công trình mang lại, chắc chắn việc vận động sẽ thành công. Như tại DA đường Vành đai 3 TP.HCM, có thể nói, DA này nhận được sự đồng thuận nhanh chưa từng có khi đến nay cơ bản hoàn thành công tác GPMB, chỉ còn vướng một số hộ do nguyên nhân khách quan” - ông Nguyễn Văn Hoàng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cũng cho rằng, trong tuyên truyền, vận động phải được tổ chức chặt chẽ, kiên trì, toàn diện, chắc chắn từng bước một theo phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, “đối tượng nào, phương pháp ấy” “mưa dầm thấm lâu”, “dễ trước, khó sau”, tận dụng tốt các mối quan hệ thân quen, người có uy tín ở địa phương để vận động. Trước khi thực hiện tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch các thông tin về DA để người dân thông suốt, đồng thuận cùng tham gia giám sát quá trình thực hiện của các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư.
Hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua của huyện Bến Lức có sự đóng góp tích cực từ hiệu quả các mô hình Dân vận khéo
“Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sức lan tỏa lớn giúp huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các DA trọng điểm trên địa bàn huyện. Hiệu quả từ các mô hình Dân vận khéo thời gian qua sẽ giúp Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình, kế hoạch phối hợp trong thực hiện công tác GPMB tại các DA phục vụ phát triển KT-XH của huyện trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm./.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sức lan tỏa lớn giúp huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện".
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Văn Hoàng
|
Thụy Anh