Tiếng Việt | English

25/11/2015 - 11:23

Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Long An diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca tử vong do SXH ở trẻ em. Ngành Y tế cùng các ban, ngành liên quan tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.


Ra quân tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An, từ đầu năm đến hết ngày 15-11-2015, toàn tỉnh có 2.333 ca mắc bệnh SXH. Số ca mắc bệnh tăng 63% so cùng kỳ (năm 2014 là 1.432 ca). Các địa phương có số ca mắc bệnh nhiều là Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức và TP.Tân An.

Tân An là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao. Tính từ đầu năm đến hết ngày 20-11-2015, thành phố có 312 ca mắc bệnh, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2014 (213 ca), trong đó có 19 ca nặng. Số ca mắc bệnh xảy ra tại 14/14 xã, phường và lứa tuổi trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh là 186/312 ca (chiếm đến 56% tổng số ca bệnh). Trong đó, phường 2 (50 ca), phường 3 (47 ca), phường 5 (47 ca) và xã Hướng Thọ Phú (32 ca) có số ca mắc cao so với các địa phương khác của TP.Tân An. Số ca mắc tăng cao trong thời gian từ đầu tháng 8 đến nay. Tổng số ổ dịch trên toàn thành phố là 57 ổ, đã xử lý 57/57 ổ dịch.

Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh thông tin, mặc dù đã thực hiện diệt lăng quăng, phun hóa chất tại các xã, phường nhưng dịch bệnh chưa chấm dứt do ý thức của người dân còn hạn chế và quá chủ quan trước các nguy cơ gây bệnh. Đa số hộ dân chưa tự giác diệt lăng quăng tại nơi ở hoặc không hợp tác khi đội y tế dự phòng đến phun thuốc nên muỗi tiếp tục phát triển. Trong quá trình xử lý các ổ dịch nhỏ, chỉ có cán bộ y tế và 1 cộng tác viên nên không thể xử lý triệt để các vật dụng chứa nước có lăng quăng trong vòng bán kính 200m. Trên địa bàn có nhiều cây cối rậm rạp, nhiều vật dụng chứa nước linh tinh nên vô tình là nơi lý tưởng cho muỗi vằn sinh sản và lây truyền bệnh dai dẳng.


Bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh SXH

Trung tâm Y tế TP.Tân An tiếp tục nhập liệu ca bệnh hằng ngày nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới; giám sát chặt chẽ các ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, xử lý sớm trong vòng 48 giờ khi có thông tin. Tăng cường tập huấn công tác giám sát, theo dõi dịch cho đội chống dịch trung tâm và cán bộ chương trình xã, phường; thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương cùng các biện pháp phòng, chống.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Bác sĩ Ngô Văn Hoàng, ngành Y tế tăng cường giám sát, tiến hành xử lý ổ dịch nhỏ theo quy định, triển khai phun lớn ở những khu phố, ấp có mật độ muỗi cao. Tất cả địa phương trong tỉnh đều triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, bỏ các vật chứa nước không cần thiết, tránh cho muỗi đẻ trứng. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động người dân tận dụng các biện pháp dân gian như: Thả cá ăn lăng quăng, ngủ mùng, mặc áo dài tay kể cả ban ngày; khi bị sốt thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em. Do đó, người dân phải chủ động phòng, chống ngay tại nơi mình ở để tạo thói quen, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ những người xung quanh./.

Phạm Ngân-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết