Hẹn với Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây nhưng Thượng tá Nguyễn Hoa Hùng - Chính trị viên của đồn nói chúng tôi phải đợi đến đầu giờ chiều, anh mới tiếp được. Anh cho biết, mùa này, tranh thủ những ngày nông nhàn, ngoài anh em cán bộ, chiến sĩ đang trực tại đồn thì lực lượng cán bộ đều tập trung về 8 ấp của 2 xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa và xã Thạnh Trị của thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An khu vực đồn đang phụ trách quản lý để tuyên truyền cho người dân về công tác giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới.
Tuyến đường tuần tra biên giới giáp với Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo đảm an ninh biên giới cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân
Hơn 3 năm trước, con đường dọc tuyến biên giới từ xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường qua xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa chỉ là đường đá đỏ với những cây cầu gỗ, cầu bêtông nhỏ được bắc đơn sơ qua từng con kênh. Mùa mưa, khó đi, trẻ em đi học có thể té bất kỳ khi nào, người dân đi lại làm ăn cũng như vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà khi quay trở lại đây, mùa này đã khác.
Mặc cho cái nắng nóng nơi miền biên giới, chị Lê Thị Tư, ở xã Bình Hòa Trung đang đón xe ngay chân cầu Cây Khô Nhỏ ven Đường tỉnh 817 vui vẻ hướng dẫn chúng tôi con đường về với Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây. Chị cho biết: “Giờ về ĐBP bớt khó khăn rồi, chú cứ đi dọc theo tuyến đường cặp kênh này, tới cây cầu sắt, hỏi người dân là sẽ đến đồn. Đường hơi khó đi chút nhưng chừng vài tháng nữa, con đường song song bên phía kênh bên này hoàn thành thì về tới đồn chắc chỉ chừng 20 phút”. Như lời chị Tư, phía bên kia tuyến kênh, con lộ bêtông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hoàn thiện khoảng 5km, một số đoạn phía cuối con đường tuy chưa được thực hiện nhưng được ban sẵn mặt nền, chờ bêtông hóa.
Tiếp chúng tôi tại Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, Thượng tá Nguyễn Hoa Hùng - Chính trị viên của đồn hào hứng kể, trong số 18,5km đường biên do đồn đang trực tiếp quản lý những năm qua luôn được kiểm soát chặt chẽ. Cũng với lực lượng cán bộ, chiến sĩ của đồn, người dân 2 xã Bình Hòa Trung và Thạnh Trị đều là những người rất tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới. Thượng tá Hùng kể cho chúng tôi nghe liền một mạch những nông dân như ông Võ Thành Phương, ở ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây tự nguyện tham gia bảo vệ cột mốc 202; nông dân Huỳnh Khánh Nhạc tự nguyện bảo vệ cột mốc 203;...
Những ngày nông nhàn, người dân xã biên giới Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa còn tranh thủ chở rơm thuê cho các thương lái, kiếm thêm thu nhập
Thượng tá Hùng nhớ cả thảy 72 hộ có đất sản xuất trên đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. “Mỗi hộ của 2 xã Thạnh Trị và Bình Hòa Tây đều tự nguyện tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới. Những hộ thuộc ấp giáp với biên giới thì đăng ký tự quản đường biên, cột mốc, những hộ thuộc ấp nội địa thì đăng ký tự quản an ninh, trật tự. Chính vì thế, những năm qua, tình hình biên giới do đồn quản lý không xảy ra vụ việc phức tạp. Đến ngay như vụ việc cột mốc 203 (năm 2015) cũng nhờ chính công tác dân vận, tuyên truyền kỹ năng xử lý tình huống cho nhân dân mà không để tình hình trở nên phức tạp, vượt ngoài tầm kiểm soát” - Thượng tá Hùng cho biết.
"Mỗi người dân phải là một chiến sĩ cùng với lực lượng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Biên giới có ổn định, người dân mới yên tâm làm ăn, sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình cũng như góp sức cùng chính quyền xây dựng quê hương". Ông Võ Thành Phương - một trong những hộ dân tự nguyện đăng ký bảo vệ cột mốc biên giới 202 cho biết |
Còn ông Võ Thành Phương - một trong những hộ dân tự nguyện đăng ký bảo vệ cột mốc biên giới 202 cho biết: “Mỗi người dân phải là một chiến sĩ cùng với lực lượng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Biên giới có ổn định, người dân mới yên tâm làm ăn, sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình cũng như góp sức cùng chính quyền xây dựng quê hương”.
Rời Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, chạy dọc tuyến đường tuần tra biên giới qua các huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, gần như toàn bộ tuyến đường qua huyện Vĩnh Hưng được bêtông hóa, thuận lợi cho công tác tuần tra cũng như phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân 5 xã biên giới của huyện. Điểm đến của chúng tôi tại xã Hưng Điền B. Con đường tuần tra biên giới từ cầu Hữu Nghị của xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng qua xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng dài hơn 13km vẫn còn đá đỏ. Ông Nguyễn Văn Thành, sản xuất hơn 40ha lúa tại xã Hưng Điền B, kể cho chúng tôi nghe từ những khó khăn trong những ngày người dân nơi đây còn thưa thớt đến những buổi khai hoang mở đất, biến vùng đồng khô cỏ cháy thành cánh đồng lúa xanh ngút ngàn. Và Hưng Điền B giờ trở thành một trong những thị tứ phát triển bậc nhất của huyện Tân Hưng - ông Thành cho biết.
Những thửa ruộng trồng dưa hấu được người dân các xã biên giới chăm sóc, chờ hái quả ngọtĐất không phụ lòng người, vùng đất biên giới ngày nay đã và đang trở thành đất lành nuôi dưỡng biết bao thế hệ người dân biên giới. Chưa thể đi liền một mạch qua 133km đường biên của tỉnh Long An nhưng qua những chuyến công tác về các Đồn Biên phòng: Sông Trăng, Bến Phố, Long Khốt, Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây,... chúng tôi cũng cảm nhận được sức sống mới đang diễn ra ngay tại những vùng biên giới. Nơi đó, hàng ngày, người dân vẫn hăng say lao động sản xuất, hằn vào đó là bước chân những người chiến sĩ biên phòng và nhân dân trong việc bảo vệ biên cương./.
Kiên Định