Tại họp báo chiều 18/5 của Bộ Công Thương, lý giải thêm về việc tăng 3% giá bán điện từ đầu tháng 5, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết cơ sở của việc tính toán để điều chỉnh giá bán lẻ điện căn cứ vào Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Mức tăng 3% là mức tăng thấp nhất và khi điều chỉnh cơ quan chức năng đã tính toán nhiều yếu tố, trong đó hạn chế tác động thấp nhất đến kinh tế vĩ mô. Về lộ trình tăng giá tiếp theo, đại diện Cục điều tiết Điện lực cũng khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm túc Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) thông tin về giá điện và việc đảm bảo việc cung cấp điện trong năm 2023.
Ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thông tin về tiến trình triển khai Quy hoạch điện VIII, tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 18/5, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, việc Chính phủ ban hành Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện nguồn và lưới điện trong thời gian tới.
“Đối với các dự án cụ thể, theo quy định của Luật Quy hoạch, danh mục dự án quan trọng và ưu tiên của ngành điện sẽ được quy định trong Luật Quy hoạch. Do đó, với Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, bao gồm nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhà máy thủy điện vừa và lớn, các dự án lưới điện từ 220kV trở lên… đã có cơ sở pháp lý để thực hiện. Các nguồn năng lượng tái tạo có quy mô nhỏ, nên không được quy định trong Quy hoạch điện VIII, sẽ được xây dựng trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở các bước tiếp theo”, ông Dũng nêu thuận lợi.
Quy hoạch điện VIII đề cao nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Dũng khẳng định, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn năng lượng tái tạo, Luật Điện lực sửa đổi, Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp… nhằm hoàn thiện đầy đủ cơ sở chính sách triển khai thực hiện quy hoạch.
Trước những khó khăn trong việc đảm bảo cấp điện ổn định, đặc biệt là trong cao điểm nắng nóng năm 2023, tại Họp báo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay các hồ thủy điện đang trong tình trạng mực nước giảm, nhiều hồ xuống dưới mực nước chết gây khó khăn vận hành cung ứng điện.
“Bộ Công Thương đã dự đoán được những khó khăn và đã có nhiều văn chỉ đạo về vấn đề vận hành cung ứng nhiên liệu như than, khí cho phát điện. Trong tháng 5, Bộ cũng đã họp với các Tập đoàn trực thuộc chỉ đạo và đang quyết liệt triển khai các giải pháp”, ông Hòa cho biết.
Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cũng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công Thương sẽ nỗ lực đảm bảo cung ứng điện, thực hiện nghiêm nhiệm vụ cung cấp than cho sản xuất điện. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nỗ lực phục vụ cung ứng và khẩn trương đàm phán cung ứng điện năng lượng tái tạo.
Liên quan đến đàm phán giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, ông Hòa thông tin, đến nay, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Sau đây khi các nhà máy đáp ứng đầy đủ quy định sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch VII và điều chỉnh. Kết luận của Thanh tra chỉ ra việc bổ sung hàng trăm dự án điện mặt trời không có căn cứ, có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Qua đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ sẽ thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ theo đúng quy định pháp luật hiện hành./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN