Tiếng Việt | English

10/05/2023 - 08:33

Nỗi lo khi giá điện tăng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố tăng giá điện thêm 3% khiến nhiều người dân lo lắng, nhất là công nhân thuê trọ vốn đang phải chịu giá điện cao hơn so với quy định. Bởi, giá điện tăng đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí sinh hoạt.

Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ ngày 04/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng/KWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Theo tính toán, số tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ; hộ tiêu thụ từ 50-100kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 5.100 đồng/hộ, từ 100-200kWh/tháng phải trả thêm 11.100 đồng/hộ, từ 200-300kWh/tháng phải trả thêm khoảng 18.700 đồng/hộ, 400kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 27.200 đồng/hộ,... so với mức giá bán điện cũ.

Dù tiền điện tăng thêm không đáng kể nhưng điều người dân lo ngại là có thể nhiều hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu vọt lên. Bởi, điện là nguồn năng lượng chính để sản xuất ra tất cả mặt hàng, kể cả sản xuất nông nghiệp. Chưa hết, việc giá điện tăng rất có thể được coi là “cái cớ” để hàng hóa thiết yếu “tát nước theo mưa” và thiết lập mặt bằng giá cả mới. Còn nhớ, thời điểm tháng 7-2022, giá xăng tăng liên tiếp và đắt kỷ lục, ngay lập tức, giá cả hàng loạt hàng hóa cũng tăng theo. Điều đáng nói là khi giá xăng “hạ nhiệt” thì các loại hàng hóa trên vẫn không giảm hoặc giảm rất ít và đến giờ vẫn không quay lại mức giá cũ.

Đối với công nhân, nhất là công nhân thuê trọ, giá điện tăng thì đời sống, sinh hoạt sẽ khó khăn hơn. Bình quân, mỗi gia đình công nhân thuê trọ, dù đã cắt giảm tối đa mọi thiết bị phục vụ sinh hoạt như tivi, máy điều hòa, thậm chí không có tủ lạnh, họ vẫn phải chi trả từ 150.000-200.000 đồng tiền điện/tháng (giá điện do chủ nhà trọ quy định, có nhiều nơi, giá điện lên đến 3.000-4.000 đồng/kWh). Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của công nhân nên dù chỉ tăng một số tiền nhỏ cũng sẽ thêm “gánh nặng” đối với công nhân thuê trọ.

Trước việc tăng giá điện, thiết nghĩ, Chính phủ cần kiểm soát giá cả để tránh tình trạng “tát nước theo mưa” của các hàng hóa, sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá điện quá cao so với quy định, nhất là tại các khu nhà trọ. Ngoài ra, mỗi người dân cũng cần sử dụng năng lượng một cách hiệu quả để tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí điện năng./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết