Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 25 tại Hà Nội sáng 19/3 -Ảnh: VGP
"Thiệt cái này thì tìm cái khác bù vào"
Phát biểu trước cộng đồng nhà đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 25 do Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), tổ chức ngày 19/3 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định không thể tách giá điện cụ thể có 4-5 cent/Kwh mà mua điện mặt trời giá hơn 8 - 9 cents/Kwh, cần tìm sự hài hòa về giá cả.
"Tôi đã nhắc Bộ Công thương, anh An (Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An) luôn luôn cầu thị, lắng nghe sự mất mát, thua lỗ của các doanh nghiệp, như vậy mới có giải pháp phù hợp. Cần có sự chân thành, tin cậy", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ với vướng mắc của nhà đầu tư và thẳng thắn chỉ ra rằng "có những cái nhà đầu tư làm chưa đúng". "Chính sách chỉ có đến thế thôi, không kéo dài thêm được. Vì vậy, với những dự án đã đầu tư rồi, chưa thu hồi vốn được phải đàm phán với nhau, thiệt cái này thì tìm cái khác bù vào".
Theo ông, vừa qua có một số chính sách thí điểm, có cái phù hợp cái chưa phù hợp, chúng ta cần tiếp tục ngồi với nhau để có cách giải quyết phù hợp với điều kiện của mỗi bên.
"Cạnh tranh biểu hiện bên ngoài là giá cả, cung cầu mà bất hợp lý thì dung hòa là giá cả, nên cần đàm phán giá cả với nhau trên tinh thần không để ai thiệt thòi, cùng vượt qua khó khăn, rủi ro, tiến đến cái lâu dài", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nói với các nhà đầu tư rằng kinh doanh thì có lúc lãi, lúc lỗ, quan trọng nhất là tính bài toán lâu dài có lãi là được. "Chúng tôi không muốn ai đến đây đầu tư kinh doanh mà lỗ cả, phải có lãi, lãi càng cao, càng nhiều, càng tốt", ông nói.
Giải đáp những thắc mắc của nhà đầu tư về chính sách năng lượng, điện, Thủ tướng cho hay việc lập quy hoạch điện 8 có khó khăn là trước đây khi làm quy hoạch điện 7 xu thế phát triển nhiệt điện chưa như hiện nay.
"Có khoảng 6.000 - 8.000 MW cam kết là điện than, bây giờ các nhà đầu tư phải chia sẻ, cùng chúng tôi cắt điện than và đừng kiện cáo nữa, kiện cáo lại phải ra tòa. Chúng ta cùng nhau cắt điện than, cùng nhau chuyển đổi từ đầu tư điện than sang đầu tư điện gió, điện mặt trời", Thủ tướng nói.
Đối với đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư GDP bình quân đầu người của Việt Nam có hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm. Nên giá cả phải phù hợp, chi phí sản xuất đầu vào phải phù hợp, trong đó có vay ngân hàng.
"Tôi kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ Việt Nam để bảo đảm công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như các dự án đầu tư vào Việt Nam lãi suất phải giảm đi, thời hạn cho vay phải dài hơn thì mới phù hợp với giá điện, thu nhập của người Việt Nam", ông nêu.
Đối với kiến nghị liên quan tới cơ chế mua bán điện trực tiếp của cộng đồng nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định Chính phủ khuyến khích cơ chế này, vừa qua đã thí điểm cho nhà đầu tư Lego vào đầu tư và thực hiện.
Tại diễn đàn, Thủ tướng giao các bộ khẩn trương giải quyết kiến nghị doanh nghiệp, tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, chia sẻ.
Diễn đàn doanh nghiệp thường niên là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cùng ngồi lại để gỡ khó cho môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh: B.NGỌC
Bảy định hướng tăng trưởng xanh của Chính phủ
Nói về chủ đề tăng trưởng xanh tại diễn đàn, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành một chiến lược dựa trên ba trụ cột chính là kinh tế, xã hội, môi trường, và bảy định hướng lớn.
Đó là, Việt Nam chọn phát triển nhanh và bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, không hy sinh môi trường, chạy theo phát triển đơn thuần. Lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, làm trung tâm, động lực, nguồn lực phát triển. Từ đó vừa phát triển vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai cho con cháu sau này, vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa đảm bảo sức khoẻ cho người dân.
Thủ tướng cũng khẳng định mặc dù là nước đang phát triển, có nền kinh tế chuyển đổi nhưng Việt Nam cam kết như một nước phát triển, cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thứ hai là tập trung vào cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nền tảng khoa học và công nghệ để phát triển, tập trung vào ba đột phá chiến lược để phát triển nền kinh tế.
Thứ ba, việc phát triển kinh tế xanh phải được triển khai ở các cấp, các ngành, các địa phương, cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp vùng, gắn phát triển xanh quốc gia với khu vực và quốc tế. Phương châm là chuyển đổi tư duy, cách tiếp cận để ứng xử với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh từng giai đoạn. Đồng thời phải nâng cao năng lực thể chế cho phù hợp, sớm nghiên cứu các tiêu chuẩn về công trình, dự án xanh.
Thứ tư là lấy con người làm trọng tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển, tránh tình trạng tăng trưởng trước dọn dẹp sau.
Thứ năm là tăng trưởng xanh cần lộ trình phù hợp, tính tới điều kiện, năng lực khác nhau, bảo đảm tính khả thi ở từng vùng, từng địa phương, doanh nghiệp. Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện cam kết của mình nhưng cũng cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế liên quan tới vấn đề tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, thị trường.
Thứ sáu, khuyến khích tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội nhất là doanh nghiệp, người dân thông qua hợp tác công tư.
Thứ bảy, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung, trên tinh thần lợi ích hài hoà rủi ro chia sẻ, có những vấn đề cụ thể phải kiên trì giải quyết. Ví dụ như vấn đề năng lượng tái tạo, Việt Nam có điều kiện về năng lượng tái tạo, nhất là nắng và gió, cũng chẳng ai lấy đi của Việt Nam, cũng chẳng phải mua bán gì, nên phải phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo./.
Bảo Ngọc/tuoitre.vn