Thí sinh dự thi môn Địa lý. (Ảnh: TTXVN)
Kỳ thi liệu có thực sự nghiêm túc như Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá? Các điểm thi do các sở tổ chức có nghiêm túc không khi phát hiện rất ít thí sinh vi phạm quy chế? Hàng loạt giám thị vi phạm quy chế nhưng trong báo cáo của Bộ luôn nói không có? Các trường hợp gian lận thi cử đã được điều tra đến đâu? Tại sao thí sinh quên thi vẫn được cho thi lại? Tại sao lại tổ chức thi vào tháng Bảy, khi thời tiết quá nóng nực?
Hàng loạt câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo chiều nay, ngày 4/7, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi trung học phổ thông. Buổi họp báo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tại Hà Nội.
Kỳ thi có thực sự nghiêm túc?
Theo báo cáo tổng kết kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều phóng viên đặt ra là liệu kỳ thi có thực sự nghiêm túc như Bộ nhận định khi vẫn còn hiện tượng phao thi rải ở các điểm thi, số thí sinh vi phạm quy chế nhiều, vẫn có hiện tượng gian lận thi cử trót lọt mà cán bộ coi thi không phát hiện ra.
Bên cạnh đó, thống kê về số lượng thí sinh vi phạm quy chế cũng cho thấy, đa số các trường hợp vi phạm quy chế bị phát hiện và xử lý đều thuộc các cụm thi do các trường đại học tổ chức, rất ít thí sinh bị xử lý thuộc các cụm thi do các sở giáo dục và đào tạo tổ chức. Liệu có phải thí sinh thi ở cụm thi do trường đại học tổ chức không nghiêm túc bằng thí sinh thi ở các cụm do sở tổ chức, hay do các sở đã không coi thi nghiêm túc?
Phao thi được thi sinh bỏ lại sau buổi thi môn Lịch sử tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vienam+)
Với những hiện tượng trên, tiêu chí nào để Bộ nhận định kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc?
Trả lời vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cả hai kỳ thi đều được tổ chức với chung một quy chế, không phân biệt về tính nghiêm túc. “Có thể thí sinh thi ở các cụm thi do trường đại học tổ chức có hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, nên áp lực hơn, và dễ có hành động tiêu cực hơn, trong khi các thí sinh thi ở cụm do sở tổ chức, chỉ xét tốt nghiệp, nên ít áp lực hơn,” ông Trinh phân tích.
Cũng theo ông Trinh, Bộ căn cứ trên nhiều phương diện để kết luận kỳ thi an toàn, nghiêm túc. “Các điểm thi sạch sẽ hơn, ít phao thi, những hiện tượng lộn xộn ở trường thi như cách đây nhiều năm không tái diễn, các điểm nhân bản phao thi giảm. Vẫn còn nhiều em vi phạm quy chế thi bị xử lý nhưng điều đó cho thấy công tác coi thi đã nghiêm túc hơn,” ông Trinh nói.
“Điểm thi ở Thanh Hóa có hiện tượng trắng phao thi nhưng đó là ở ngoài khu vực thi, gây mỹ quan không đẹp. Chúng tôi đã chỉ đạo hội đồng thi tăng cường công tác coi thi,” ông Trinh nói thêm.
Thi vào tháng 7 vì quyền lợi thí sinh
Trước câu hỏi vì sao lại tổ chức kỳ thi vào tháng Bảy, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ông Trinh cho biết, ban đầu, Bộ định tổ chức kỳ thi từ 15/6. Tuy nhiên, thời điểm này các tương đại học chưa kết thúc chương trình năm học, theo đó không giải phóng được phòng học và ký túc xá, không có chỗ cho thí sinh thi và ăn ở.
Thí sinh, phụ huynh mệt mỏi dưới cái nắng nóng gay gắt ở Hà Nội. Nhiều thí sinh đã ngất xỉu. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Mặt khác, Bộ cũng nhận được phản hồi của thí sinh về việc nếu thi vào thời gian này sẽ hụt mất 2 tuần ôn tập so với kỳ thi đại học mọi năm.
“Trên các cơ sở đó, Bộ đã quyết định tổ chức thi vào tháng Bảy,” ông Trinh giải thích.
Cho thí sinh quên thi được thi lại vì… nhân văn
Một vấn đề cũng được nhiều thí sinh quan tâm là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các hội đồng thi cho thí sinh thi lại môn thi khác khi thí sinh trót quên đi thi. Liệu điều này có đúng với quy chế thi?
Trả lời vấn đề này, ông Trinh cho biết: “Đây là vấn đề mang tính nhân văn và không vi phạm quy chế thi. Số thí sinh quên thi không nhiều và Bộ chỉ cho phép thí sinh đăng ký thi lại ở môn khác nếu thí sinh đó chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp.”
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh cũng là lý do được ông Trinh nêu ra để lý giải trường hợp hàng chục cán bộ coi thi phải túc trực chỉ để phục vụ một thí sinh. Không đề cập đến khía cạnh lãng phí nhân lực của sự việc này như cách đặt vấn đề của phóng viên, ông Trinh cho rằng “dành mọi thuận lợi cho thí sinh nên cán bộ coi thi vất vả hơn.”
Bộ ém thông tin giám thị vi phạm quy chế?
Một vấn đề cũng được nhiều phóng viên đặt ra là tại sao trong các buổi thi, nhiều trường hợp giám thị vi phạm quy chế nhưng trong tất cả các báo cáo nhanh hàng ngày của Bộ đều khẳng định không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Bộ luôn khẳng định không có cán bộ vi phạm quy chế thi. (Ảnh: TTXVN)
Tiêu biểu cho việc cán bộ coi thi vi phạm quy chế là việc giám thị ký nhầm vào ô của cán bộ chấm thi trong giấy thi của thí sinh, khiến 29 thí sinh ở Đà Lạt phải thi lại.
Theo quy chế, trong môn thi tự luận, thí sinh được quyền ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi, nhưng phải nộp lại đề thi cho cán bộ coi thi. Tuy nhiên, trong tất cả các môn thi tự luận, đều có hiện tượng thí sinh ra sớm vẫn mang theo đề thi ra bên ngoài. Như vậy, giám thị đã thực hiện đúng quy định chưa?
Hoặc ở Thái Bình, việc bố trí hai cán bộ coi thi trong một phòng thi đều là sinh viên có đúng không?
Tuy nhiên, những câu hỏi này của phóng viên không được lãnh đạo Bộ trả lời.
Trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi của phóng viên chưa được giải đáp và nhiều phóng viên thậm chí chưa được đặt câu hỏi, lãnh đạo Bộ đã kết thúc buổi họp báo vì lý do “đã muộn”, mặc dù buổi họp báo mới diễn ra được một tiếng và thời gian Bộ bố trí họp báo là từ 17 giờ./.
NHÓM PV (VIETNAM+)