Tiếng Việt | English

04/04/2020 - 13:19

"Bố ơi an nghỉ, con không về được vì còn chống dịch ở biên giới"

Cũng như trong nội biên, những ngày này, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền biên giới lãnh thổ Quốc gia, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng Long An đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Câu chuyện Trung úy Nguyễn Đình Thông, công tác tại Đồn biên phòng Thạnh Trị đã nén lại nỗi đau mất cha để ở lại thực hiện nhiệm vụ làm nhiều người xúc động.

Trung úy Nguyễn Đình Thông thắp nhang cho cha qua bàn thờ vọng lập tại chốt biên giớiTrung úy Nguyễn Đình Thông thắp nhang cho cha qua bàn thờ vọng lập tại chốt biên giới

Trung úy Nguyễn Đình Thông không thể về quê Hà Tĩnh chịu tang cha mà ở lại biên giới làm nhiệm vụ chỉ là một trong nhiều sự hy sinh trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid -19 thời gian qua. Nhưng tôi tin chắc rằng, câu chuyện này đã chạm vào trái tim của nhiều người. Đó là sự hy sinh thầm lặng của người lính trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân.

Hình ảnh người lính trẻ đứng trước bàn thờ vọng lập ra bên chốt gác ở miền biên ải, thắp nén hương với câu nói "Bố ơi an nghỉ, con không về được!" càng để chúng ta suy ngẫm về giá trị và cả sự hy sinh cao cả trong cuộc chiến chống dịch gian nan này.

Anh là một cán bộ biên phòng trẻ chưa đầy 30 tuổi, mới tốt nghiệp vào nhận công tác tại biên giới Long An năm 2018. Anh chưa lập gia đình riêng, người thân lại ở cách xa cả ngàn cây số thì nỗi nhớ quê hương, cha, mẹ lại càng thêm da diết. 

Với bất kỳ ai, cha, mẹ luôn là nơi để hướng về, là chỗ dựa vững chắc và còn là động lực để nỗ lực phấn đấu. Cũng vì thế, nỗi đau mất cha, mất mẹ sẽ khó diễn tả hết bằng lời. Như bao người con, khi đón nhận thông tin người cha đáng kính ở quê nhà ra đi mãi mãi, đó là cú sốc mạnh của cuộc đời anh. Có lẽ, trong giờ khắc ấy, anh muốn chạy về thật nhanh để được nhìn mặt cha lần cuối, làm tròn bổn phận chữ hiếu của một người con.

Nhưng là người lính đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu Tổ quốc, anh phải nén lại nỗi đau, mất mát để ở lại làm nhiệm vụ chống dịch, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Bởi anh hiểu, nhiều đồng đội tuyến đầu trên mặt trận “chống giặc” Covid-19 cũng như tất cả mọi người, đều đang hy sinh theo những cách khác nhau, tất cả vì mục tiêu chung. 

"Ngày bước vào quân ngũ, tôi đã xác định tư tưởng và luôn hứa với bản thân, gia đình sẽ vượt qua mọi khó khăn để kiên định thực hiện nhiệm vụ. Tôi sẽ biến đau thương thành hành động, quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc giao phó, nhất là khi thời điểm dịch Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Đó cũng là việc làm thiết thực để tôi tri ân cha mình - người lính biên phòng về hưu".  

Còn với chúng tôi, những người chưa quen biết anh, rất đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau mất cha của anh. Qua đó, chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với anh, người đang góp phần bảo vệ bình yên Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. 

Và trong cuộc chiến với dịch Covid -19, ngoài anh Thông, thời gian qua, chúng ta đã thấy được nhiều sự nỗ lực và cả sự hy sinh của nhiều người. Đó là hình ảnh về những cán bộ, chiến sĩ, học sinh nhường chỗ ở của mình để làm khu cách ly; những y, bác sĩ ngày đêm đối diện với nguy cơ lây nhiễm để chống dịch, trị bệnh cho người dân.

Và còn nhiều câu chuyện đẹp trong mùa dịch khi người dân trong nước, cộng đồng ở nước ngoài đã đứng ra ủng hộ vật chất, tiền bạc để phòng, chống dịch; nhiều cá nhân đã tiến hành may khẩu trang phát miễn phí cho cộng đồng. Hay quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng đã khẳng định "Thà chịu thiệt hại về kinh tế nhưng phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết" đã chứng minh một quyết tâm rất cao trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

Những việc làm, nghĩa cử và cả sự hy sinh trong cuộc chiến với dịch Covid-19 thì đã rõ. Tuy nhiên, để những sự cố gắng, nỗ lực và cả sự hy sinh đó, như trường hợp người lính biên phòng Nguyễn Đình Thông thì mỗi cá nhân chúng ta cần phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công cuộc phòng, chống dịch.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, dù sẽ gặp nhiều gian khổ, khó khăn và còn có cả những mất mát nhưng không vì thế mà chùn bước. Mỗi người, dù là ai, đang công tác ở lĩnh vực nào cũng phải có trách nhiệm để chung tay, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch./.

V. Quang

Chia sẻ bài viết