Tiếng Việt | English

08/08/2017 - 14:14

Các bot trên mạng xã hội là 'tội đồ' chính gieo rắc tin giả

Lần đầu tiên một nghiên cứu có tính hệ thống và tổng thể đã chỉ ra đích danh công cụ chính được sử dụng trong những âm mưu gieo rắc tin giả trên mạng xã hội.

 

Mạng xã hội Twitter là một trong những nền tảng bị lạm dụng tung tin giả nhiều nhất - Ảnh: Reuters

Theo trang tin Technology Review, các tài khoản tự động (bot) được lập trình sẵn để tung tin giả mạo chính là những công cụ chính yếu bị các đối tượng xấu sử dụng trong nhiều chiến dịch tung tin thất thiệt trên mạng thời gian qua.

Đây là kết quả nghiên cứu của chuyên gia Chengcheng Shao và nhóm cộng sự thuộc Đại học Indiana tại Bloominton (Mỹ) thực hiện.

Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm hiểu một cách hệ thống phương thức loan truyền tin giả trên mạng xã hội Twitter, từ đó giúp công chúng có cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về thế giới "u u minh minh" này.

Trước hết, nhóm nghiên cứu căn cứ vào dữ liệu các trang web từng bị những tổ chức chuyên xác minh sự thật như snopes.com, politifact.com và factcheck.org vạch mặt là các trang chuyên tung tin thất thiệt.

Theo đó có 122 trang web bị liệt vào danh sách đen. Trong đó có những trang tin tức như infowars.com, breitbart.com, politicususa.com và theonion.com.

Anh Shao cho biết nhóm nghiên cứu của anh không loại trừ các trang tin châm biếm vì có nhiều nguồn tin giả cũng tự gán nhãn cho các nội dung của họ là tin tức châm biếm khiến việc phân biệt rất khó khăn.

Anh Shao và nhóm nghiên cứu đã theo dõi khoảng 400.000 thông tin do các trang tin giả mạo này đưa ra và quan sát cách chúng được lan truyền trên mạng Twitter. Họ đã tập hợp được khoảng 14 triệu tài Twitter đề cập tới những thông tin này.

Cùng với đó nhóm nghiên cứu cũng theo dõi khoảng 15.000 câu chuyện khác do các tổ chức xác thực thông tin cung cấp và trên một triệu nội dung tung lên Twitter đề cập tới những chuyện này.

Kế đó nhóm nghiên cứu tập trung đánh giá hoạt động của các tài khoản Twitter chuyên tung các tin tức kiểu này và thu thập khoảng 200 trong số những nội dung tweet lên gần đây nhất của chúng.

Theo cách đó họ nghiên cứu được hành vi tweet của các tài khoản và xác định được tài khoản đó là do người hay do bot điều khiển.

Sau khi đánh giá được sở hữu thực sự của tài khoản Twitter, nhóm nghiên cứu xem xét tới cách thức mà các đối tượng người thật và bot tự động tung tin giả và các thông tin được kiểm chứng như thế nào.

Rốt cuộc họ nhận thấy "những tài khoản tích cực phát tán thông tin nhất phần lớn là các tài khoản tự động (các bot)". Các bot đã đóng vai trò chính trong công cuộc tung tin giả trên mạng.

Một điều đáng chú ý nữa là các bot này được lập trình để tung tin nhắm vào những người dùng có tầm ảnh hưởng. Nhà nghiên cứu Shao lý giải: "Các tài khoản tự động này hoạt động đặc biệt tích cực trong giai đoạn đầu phát tán tin giả và nhắm tới những người dùng có tầm ảnh hưởng nhất định".

Rõ ràng đây là một chiến lược thông minh. Vì thông tin chắc chắn sẽ lan truyền đặc biệt nhanh chóng khi nó được chuyển qua những điểm kết nối mấu chốt trong mạng xã hội.

Phần đông mọi người đều dễ dàng bị lừa trước thông tin do những tài khoản tự động này tung ra, và không ít người đã vô tình tiếp tay cho chúng khi tweet lại hoặc chia sẻ thông tin giả theo một dạng thức khác trên những nền tảng khác.

Kết luận của nghiên cứu này được cho là rất đáng chú ý vì từ đó, nó cũng mở ra hướng tìm kiếm giải pháp ngăn chặn tin giả.

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận, biết được nguyên nhân là một chuyện còn tìm ra giải pháp khắc phục nguyên nhân đó lại là chuyện khác.

Việc có thể cáo buộc những tài khoản tự động hoạt động trên mạng xã hội là phi pháp là chuyện không đơn giản, nhất là khi đụng chạm tới quyền lợi phía sau của những tài khoản này trong phạm vi lãnh thổ mỗi nước./.

Theo D.Kim Thoa/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết