Tiếng Việt | English

13/02/2016 - 10:02

Các xu hướng tấn công mạng tại Việt Nam trong năm Bính Thân

 

Tình hình an ninh mạng tại Việt Nam trong năm mới sẽ diễn biến phức tạp. (Nguồn: Telegraph.co.uk)

Theo các chuyên gia, năm 2016, tình hình an toàn, an ninh thông tin mạng tại Việt Nam vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để phòng tránh.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) dự báo, trong năm 2016, tình trạng gửi thư điện tử giả mạo kèm theo thông tin phần mềm độc hại sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và là mối nguy cơ đe dọa người sử dụng.

Bên cạnh đó, với sự phát triển phổ biến của mạng xã hội, đặc biệt là những trang mạng xã hội có đông người sử dụng (như Facebook) sẽ là mục tiêu để đối tượng xấu sử dụng phát tán phần mềm độc hại, gây mất an toàn thông tin.

“Tôi cho rằng nguy cơ mất an toàn thông tin từ mạng xã hội tiếp tục là một xu hướng nóng trong năm 2016,” ông Dũng nói.

Lãnh đạo Cục An toàn thông tin cũng dự báo những cuộc tấn công có chủ đích (APT- là loại hình tấn công phức tạp và rất khó để phát hiện khi kẻ tấn công sử dụng các kỹ thuật mới để ẩn nấp) và những cuộc tấn công nhắm vào những hạ tầng quan trọng tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm trong năm 2016.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav cho hay, năm 2015 ghi nhận hàng loạt cuộc tấn công trên diện rộng của mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomeware) và sự trở lại của phần mềm quảng cáo bất hợp pháp (adware) núp bóng dưới các phần mềm tiện ích. Đặc điểm chung của các dòng mã độc này là có thể mang lại “lợi nhuận” trực tiếp khổng lồ cho hacker. Chính vì vậy, mã độc mã hóa tống tiền và phần mềm quảng cáo bất hợp pháp sẽ là những xu hướng chính của mã độc trong năm 2016.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp (spyware) để đánh cắp thông tin và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) bên cạnh mục tiêu kinh tế thì ngày càng mang màu sắc chính trị. Trước đó, hàng loạt các cuộc tấn công vào Sony Pictures, Bộ Quốc phòng Mỹ, Quốc hội Đức… đã minh chứng cho việc này.


100 đơn vị ứng cứu của Việt Nam tham gia đợt diễn tập quốc tế về an ninh mạng. (Nguồn: VNCERT)

“Với cách thức dễ dàng thực hiện và hiệu quả cao, chúng ta sẽ thường xuyên chứng kiến các cuộc tấn công mạng này đi kèm theo các xung đột, tranh chấp chính trị trong thời gian tới,” ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong năm 2016, diễn biến về lừa đảo, mã độc trên mạng xã hội vẫn tiếp tục là xu hướng phổ biến.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, hơn lúc nào hết các tổ chức, doanh nghiệp phải khẩn trương rà soát hệ thống, chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị nguồn lực công nghệ, nhân lực… để có thể ứng phó với các sự cố tấn công mạng ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, để bảo vệ an toàn thông tin, phòng tránh nguy cơ bị truy cập trái phép vào máy tính, thiết bị di động, người dùng cần cẩn trọng khi mở các file đính kèm trong email, lưu ý khóa máy khi không trực tiếp ngồi trước máy tính và đặt mật khẩu mạnh. Tốt nhất, cần trang bị phần mềm diệt virus uy tín để phòng tránh rủi ro từ hacker.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Cục An toàn thông tin dự kiến sẽ sớm ban hành những văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng để có thể sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, ngay khi Kế hoạch quốc gia về đảm bảo an toàn thông tin giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội và cả cộng đồng để tổ chức triển khai hiệu quả với nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội trong công tác này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết