Tiếng Việt | English

07/04/2022 - 09:05

Cải lương trên mạng có 'giết' sân khấu?

Gần đây, trên internet nở rộ các kênh cải lương, và một số người đã lo lắng rằng điều này sẽ “giết chết” cải lương trên sân khấu trực tiếp, trong tình hình cải lương đang hồi khó khăn.

Xem cải lương trên internet

Bây giờ muốn xem cải lương trên internet thì tha hồ. Trên YouTube có vô vàn kênh đưa lên những vở xưa, từ vở còn làm theo dạng phim đen trắng như Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa… cho đến vở đã có phim màu như Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Hàn Mặc Tử, Máu nhuộm sân chùa,… Cả một kho tàng hàng ngàn vở từ truyền hình cho tới video đã được những fan của cải lương đưa lên. Khán giả được xem lại những thần tượng của mình như Thanh Nga, Thanh Sang, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Phụng, Minh Cảnh, Minh Vương, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền,… Điều này đáng khuyến khích, vì giữ lại được những tác phẩm kinh điển, những nghệ sĩ tài danh, coi như một “bảo tàng” trên mạng.

Vở Mạnh Lệ Quân của đoàn Huỳnh Long vé bán rất chạy

H.K

Nhưng cũng có nhiều kênh của các nghệ sĩ hiện tại mở ra, chính là điều người ta quan tâm và lo lắng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của sân khấu. Có thể thấy kênh của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đang hoạt động hiện nay như Quế Trân, Kim Tử Long, Bình Tinh, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Minh Trường, Thanh Ngân, Lê Tứ, Hồ Minh Đương, Võ Minh Lâm,… Hát tuồng xã hội cũng có, tuồng cổ, lịch sử cũng có, hoặc ca cổ, dạy đàn, trò chuyện, vô cùng phong phú. Thực sự đời sống cải lương trên mạng khá rôm rả. Chỉ cần một cái điện thoại thông minh, gõ một từ khóa là ra những vở tuồng, những nghệ sĩ mình ưa thích.

Lối đi nào an toàn ?

Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Trong thời gian dịch bệnh thì các nghệ sĩ mở kênh cũng được, vì đó là cách gần gũi khán giả và giữ lửa nghề cho mình. Nhưng qua dịch rồi thì nên hạn chế lại, bởi cứ để khán giả xem online mãi thì họ sẽ bão hòa, không còn muốn mua vé đi xem tại rạp nữa. Cách đây cả chục năm, sân khấu đã khốn đốn vì video cải lương, chỉ vài ngàn đồng đi thuê băng là coi đã đời đủ các ngôi sao. Nay còn tiện hơn, chỉ bấm điện thoại là thấy đủ mặt. Vậy ai chịu mua vé nữa. Trong khi sân khấu xã hội hóa bỏ cả tỉ đồng ra đầu tư một vở đàng hoàng, họ chết chắc”.

NSƯT Thoại Mỹ lại cho rằng: “Cải lương đã thu hẹp đất hoạt động lắm rồi, nghệ sĩ (nhất là nghệ sĩ trẻ) đâu có được diễn thường xuyên, cho nên họ phải tìm cách đến với khán giả qua internet. Tôi nghĩ đó cũng là một cách phổ biến cải lương hiệu quả, vì không phải khán giả nào cũng có điều kiện đến rạp để xem”.

Tuy nhiên, xét cho kỹ thì hầu hết các kênh của nghệ sĩ chỉ đưa lên những trích đoạn, chứ hiếm khi có nguyên tuồng dài. Và như thế thì không thể thỏa mãn những ai mê cải lương, phải đi xem trọn tuồng mới đầy đủ cảm xúc. Và xem ở rạp mới thấy hết sự hấp dẫn, từ cảnh trí, trang phục, đào kép, ca diễn, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, múa, bay lượn,… thậm chí cả cái không khí rộn ràng của rạp hát cũng mê hoặc người ta. Suy cho cùng, cải lương ở rạp như thực phẩm tươi, chế biến ngay, ăn nóng, còn cải lương trên mạng như đồ hộp, đỡ đói lòng cũng hay, nhưng làm sao “ngon” bằng đồ tươi. Vả lại, chúng ta cũng không thể chống lại quy luật cuộc sống, đi ngược những thành tựu công nghệ, phải chấp nhận cải lương lẫn các bộ môn nghệ thuật khác được đưa lên mạng.

Vấn đề là phải kiểm soát được chất lượng các tác phẩm trên mạng. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: “Cải lương xuất hiện ở đâu cũng được, miễn nó đàng hoàng. Vở diễn trực tiếp thì có phúc khảo, nên thường chất lượng ổn. Còn tác phẩm trên các kênh mạng đâu ai quản lý, chỉ mong chờ ý thức của nghệ sĩ mà thôi. Nghệ sĩ cố gắng làm tử tế thì cải lương được nhờ, có khi từ chỗ xem trên mạng mà khán giả tiến thêm một bước là mua vé để xem tại rạp cho thỏa lòng. Chứ nếu làm dở, làm ẩu thì khán giả sẽ nghĩ cải lương là như vậy đó, họ càng xa rời”.

Minh chứng từ đoàn Huỳnh Long, dù nghệ sĩ Bình Tinh có kênh cải lương riêng, nhưng suất diễn nào bán hết vé, và diễn rất thường xuyên. Cô nói: “Chúng ta phải đồng hành với công nghệ thôi, và cũng không thể đòi hỏi cải lương trở lại thời hoàng kim như xưa. Cải lương giờ sinh tồn bằng cả hai thứ, sân khấu trực tiếp và trên mạng, làm sao bổ sung cho nhau là tốt nhất, chứ không phải đối kháng nhau”./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết