Thấu hiểu công việc của nhau, vợ chồng động viên cùng cố gắng vì nhiệm vụ trước mắt còn rất nhiều
Gửi con, vợ chồng cùng vào “tâm dịch”
Trong một lần tác nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc, chúng tôi được nghe câu chuyện về đôi vợ chồng cùng đi chống dịch là anh Nguyễn Hoàng Khương (SN 1981) và chị Huỳnh Thị Thiên Kim (SN 1983). Anh Khương làm việc tại Trung tâm từ năm 2009, chị Kim quê ở Bình Phước, về làm việc từ năm 2011 đến nay. Anh Khương và chị Kim cùng thuộc đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế huyện. Ngoài công việc bảo vệ, anh đảm nhận cả nhiệm vụ tài xế vận chuyển mẫu, chở các F0, F1 đi cách ly tập trung và làm công tác khử khuẩn môi trường tại ổ dịch; chị là nhân viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, thực hiện công tác lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2.
Từ đầu mùa dịch đến giờ, công việc của anh chị cứ luôn tay, luôn chân, hễ có điện thoại điều động đến nơi lấy mẫu, chở người đi cách ly tập trung là anh chị lại tất tả lên đường, bất kể ngày, đêm. Đỉnh điểm là khi Long An có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó, Cần Giuộc ghi nhận ca mắc đầu tiên (bệnh nhân 6325). Suốt từ ngày 27/5 đến nay, hầu như anh chị cùng các đồng nghiệp phải liên tục chạy đua với thời gian. Tình hình dịch bệnh cấp bách, số lượng người phải lấy mẫu liên tục, chị tất bật với công việc của mình thì cũng ngần ấy thời gian, anh sát cánh cùng vợ thực hiện nhiệm vụ, phun xịt khử khuẩn môi trường rồi lên đường đưa người đi cách ly.
Những ngày đưa người đi cách ly tập trung, có khi anh phải lặn lội lên tận Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng,... Quãng đường xa, công việc liên tục, trên đường về, lúc quá đuối sức, anh “tấp” vào cây xăng nào đó rồi chợp mắt nửa tiếng. Có khi đi một quãng nữa vẫn chưa hết mệt, anh lại tìm chỗ đậu xe rồi ngả lưng. Anh nói: “Nếu thấy mệt quá thì mình phải dừng lại nghỉ, lái xe đường xa nguy hiểm, nghĩ đến vợ con, gia đình ở nhà, tôi càng cẩn thận hơn”.
Tương tự, chị Kim cũng nhiều ngày đi lấy mẫu liên tục, có đêm 1, 2 giờ sáng mới về đến nhà. Nhiều ngày liền “giấc ngủ chập chờn, bữa cơm không trọn”, thấu hiểu công việc của nhau, vợ chồng động viên cùng cố gắng vì nhiệm vụ trước mắt còn rất nhiều, chỉ chậm một chút là ảnh hưởng đến rất nhiều người. Với anh chị, hạnh phúc đôi khi chỉ là ổ bánh mì anh mua vội, tạt qua đưa cho vợ “dằn bụng”, đôi dòng tin nhắn hỏi thăm “Anh ăn cơm chưa” hay “Em nghỉ chút đi” cũng giúp nhau ấm lòng, cùng vượt qua mùa dịch.
Từ ngày cha mẹ tất bật chống dịch, các con của anh Khương, chị Kim ở nhà với bà, được bà chăm lo nhưng lại rất tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều
Hy sinh việc riêng vì trách nhiệm chung
Trò chuyện cùng chúng tôi chưa lâu thì anh Khương nhận cuộc điện thoại, lại tất tả thay trang phục bảo hộ để lên đường. Chị thì còn ở phòng an toàn sinh học, cặm cụi xét nghiệm để sáng mai mọi người có thể “thở phào” nhẹ nhõm. Công việc như con thoi, không có nhiều thời gian bên cạnh 2 con gái nhỏ (bé lớn 9 tuổi, bé nhỏ 5 tuổi), anh chị đành gửi cho bà nội trông coi.
Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, 2 con của anh chị tuy còn nhỏ nhưng rất tự lập, biết tự chăm sóc mình, tự học bài, bảo ban nhau. Thế nhưng, tuổi ăn, tuổi lớn, rất cần có cha mẹ kề bên, anh chị cứ ray rứt mãi khi không có nhiều thời gian bên con. Anh Khương chia sẻ: “Từ hôm có ca mắc trong cộng đồng, nhà gần nhưng tôi không dám về, làm xong việc thì nằm ở phòng bảo vệ, nhớ con nhưng chỉ có thể điện thoại trò chuyện, hỏi han. Mấy đứa còn nhỏ mà suy nghĩ cũng “già” lắm, nhớ cha nhưng cũng phải điện thoại hỏi mẹ trước để biết cha có rảnh không thì mới dám gọi, sợ tôi đang chạy xe đường xa thì nguy hiểm. Mới đây, 2 đứa nhỏ cứ nói nằm mơ thấy cha về thăm nhà, tôi muốn trào nước mắt vì nhớ. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, mọi người có được cuộc sống bình yên, sum họp bên gia đình, vợ chồng tôi lại được ôm các con một lần cho thỏa!”.
Chị Kim chia sẻ: “Từ khi chưa có ca mắc, mẹ thì lấy mẫu xét nghiệm, cha vận chuyển mẫu, đưa người cách ly thôi mà mỗi lần về nhà là vợ chồng tôi phải đi cửa sau, quần áo giặt riêng và không dám ôm hôn con để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Thế mà mấy ngày cao điểm này, chỉ có tôi được về nhà, chồng ngủ lại ở cơ quan, tụi nhỏ nhớ cha nhiều lắm!”.
Từ ngày cha mẹ tất bật chống dịch, các cháu ở nhà với bà, được bà chăm lo nhưng lại rất tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Liễu - mẹ của anh Khương, chia sẻ: “Tôi rất thương, hiểu cho công việc của con trai và con dâu. Nhiệm vụ mà các con đang đảm trách tuy vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Tôi chỉ động viên các con cố gắng giữ gìn sức khỏe, nỗ lực cùng đồng nghiệp quyết tâm chiến thắng đại dịch để sớm sum họp gia đình. Các con hãy yên tâm vì có mẹ và các cháu sẽ là hậu phương vững chắc!”.
Câu chuyện cảm động của gia đình anh Khương và chị Kim có lẽ chỉ là một trong số rất nhiều gia đình cùng lên đường chống dịch, thế nhưng đã góp phần lan tỏa được thông điệp rất đẹp về người “chiến sĩ” tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng gác lại tình cảm riêng vì trách nhiệm chung, vì cộng đồng. Thấy được nỗi gian khổ của lực lượng tuyến đầu, mỗi người chúng ta càng phải ý thức hơn, không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, họ đã quá nhiều vất vả, hãy chung tay để dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi, mỗi gia đình lại rộn rã tiếng cười, được sum vầy, hạnh phúc./.
Phạm Ngân