Tiếng Việt | English

30/11/2022 - 09:21

Chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao đời sống người dân

Chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tiếp sức chuyển đổi cây trồng

Chị Nguyễn Thị Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) luôn ấp ủ ý tưởng chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhận thấy rau má phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nhưng chi phí đầu tư ban đầu lên đến 130 triệu đồng/ha nên gia đình chưa dám đầu tư. Năm 2020, chị Mười được tiếp cận nguồn vốn vay từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với số tiền 90 triệu đồng nên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau má.

Hiện gia đình chị Nguyễn Thị Mười trồng 1ha rau má

Chị Mười cho biết: “Rau má dễ trồng, sau khoảng 2,5 tháng gieo hạt là có thể thu hoạch từ 3-6 đợt, năng suất đợt sau thường cao hơn đợt trước từ 40-50%. Bình quân năng suất 8 tấn/ha/lần, mỗi tháng thu hoạch 2 lần. Với giá bán dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng có lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, người trồng phải thường xuyên xử lý cỏ và sâu, bệnh. Rau má chủ yếu mắc các bệnh như vàng lá chân, sâu, đen bụi rễ, chạy dây”.

Ban đầu, chị Mười chuyển 5.000m2 đất sang trồng rau má. Sau một thời gian, thấy cây rau má mang về giá trị kinh tế cao cho gia đình, chị quyết định chuyển đổi toàn bộ số diện tích còn lại và đầu tư đê bao khép kín trồng rau má nghịch mùa để bán có giá hơn (gần 30.000 đồng/kg). Đến nay, gia đình chị có 1ha trồng rau má.

Anh Nguyễn Văn Dốn phấn khởi khi thu hoạch ngó sen

Với 1ha đất nông nghiệp, trước đây, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dốn (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) chuyên canh cây lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp tăng, trong khi giá lúa bấp bênh, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh Dốn phải làm đủ nghề để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Anh Dốn chia sẻ: “Năm 2021, tôi quyết định vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng sen lấy ngó. May mắn tôi thắng lớn ngay vụ sen đầu tiên với lợi nhuận 200 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với trồng lúa”.

Mô hình Trồng sen lấy ngó khá nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí. Sen trồng trên 3 tháng là lấy được ngó. Thời gian lấy ngó sen kéo dài vài năm tùy vào nguồn nước, thời tiết và kỹ thuật chăm sóc. Song, việc thu hoạch ngó sen khá vất vả, phải trầm mình dưới ruộng hàng giờ nhưng bù lại người trồng có nguồn thu nhập đáng kể.

Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Hàng năm, vào mùa nắng, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ là một trong những địa phương của tỉnh thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhất là những năm trở lại đây khi tình hình hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, anh Lưu Hồng Sơn (ấp 1) mạnh dạn cải tạo đất từ trồng lúa chuyển sang trồng bưởi da xanh.

Bưởi là loại cây trồng khó tính, không chịu được phèn, mặn, trong khi đó, Tân Phước Tây là vùng hạn, mặn, nhiều trường hợp trồng bưởi bị vàng lá, chết cây. Trước tình hình này, ông Sơn tìm tòi cách lên vườn phù hợp thổ nhưỡng địa phương, tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái.

Anh Lưu Hồng Sơn vui mừng khi vườn bưởi phát triển tốt, cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa

Ông Sơn cho hay: “Để tránh rễ bưởi ăn sâu xuống gặp đất nhiễm mặn, tôi lên mô cao và rộng; đồng thời, đào kênh trữ nước sâu để tưới mỗi khi mùa khô về. Ngoài ra, tôi trồng bưởi theo hướng sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và các chế phẩm sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nhờ đó, vườn bưởi phát triển rất tốt, ít sâu, bệnh; trái bưởi vừa ngọt, vừa nhiều nước. Hiện gia đình có trên 70 gốc bưởi cho trái. Bưởi trồng đến năm thứ 4 là thu hồi được vốn, đến năm thứ 5 bắt đầu có lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa”.

Chỉ vỏn vẹn 100m2, bà Võ Thị Hồng Oanh (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) có thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày từ việc trồng nấm bào ngư. Trước đây, thu nhập của gia đình bà Oanh chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Từ khi tận dụng đất xung quanh nhà để trồng nấm, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.

Bà Oanh chia sẻ: “Trồng nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư không cao. Một bịch phôi nấm có giá từ 8.000-10.000 đồng. Phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 2 tháng, sau đó tưới nước cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới 1-2 lần. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tháo nút, khoảng 6 ngày sau nấm bắt đầu mọc, tùy theo kích cỡ mà thu hoạch nấm. Sau khi thu hoạch nấm xong thì vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp lại tiếp tục tưới nước, khoảng 15 ngày sau thu hoạch tiếp. Bình quân 1 bịch phôi nấm thu hoạch được 10 lần”.

Bà Võ Thị Hồng Oanh (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) giới thiệu về mô hình Trồng nấm bào ngư

Nấm bào ngư là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp lượng đáng kể chất đạm, đường, bột, vitamin và khoáng chất; đồng thời là dược liệu quý trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe, phòng, chống nhiều bệnh. Tuy nhiên, người trồng nấm phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật và theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời. Một trong những yêu cầu quan trọng là nhà trồng nấm phải có nhiệt độ thích hợp, thông thoáng, ánh sáng phù hợp. Phôi nấm ngoài việc được treo trên giá thể còn có thể đặt trên kệ. Giàn kệ phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi, nhất là phải trồng theo hướng sạch nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Sản phẩm làm ra hàng ngày, bà Oanh cung cấp cho 2 nhà hàng tại TP.HCM khoảng 25kg nấm, với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg. Bà Oanh cho biết thêm: “Gia đình tôi không phải là hộ đầu tiên trồng nấm bào ngư nhưng trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, tôi luôn xác định phải sản xuất sạch, không chạy theo lợi nhuận. Nhờ vậy, sản phẩm sau khi thu hoạch được khách hàng ưa chuộng”.

Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng sạch, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết