Tiếng Việt | English

25/10/2022 - 17:50

Khi nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nông dân tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế.

Ông Lý Quốc Vũ trồng 2ha với 1.100 bụi tre Bát Độ lấy măng, bình quân mỗi bụi thu hoạch 120kg măng/năm

Tre Bát Độ bén rễ trên vùng rốn lũ

Từng thất bại với mô hình Trồng rau má nhưng ông Lý Quốc Vũ (ấp 2, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) không nản lòng, tiếp tục tìm các mô hình phát triển nông nghiệp khác nhằm vực dậy kinh tế gia đình. Sau khi nghiên cứu, ông bén duyên với mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng. Ông Quốc Vũ cho biết: “Loại tre này rất dễ trồng và mau lớn, trồng từ 7-8 tháng bắt đầu thu hoạch, chi phí đầu tư cây giống và phân bón cũng thấp, khoảng 20 triệu đồng/ha. Măng tre Bát Độ ngon, không đắng, chỉ cần cắt ra, nấu trực tiếp hoặc cắt khúc đem luộc chín, ăn rất ngọt và giòn. Nhờ vậy, loại măng này dễ tiêu thụ, mùa thuận bán giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, mùa nghịch bán giá từ 25.000-30.000 đồng/kg”.

Chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, ông Quốc Vũ lấy măng mùa nghịch để bán được giá cao hơn măng mùa thuận, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Theo đó, vào mùa nắng (mùa nghịch), ông tăng cường bón phân hữu cơ, tưới nước, cắt tỉa cành cho tre mau ra măng; còn mùa mưa (mùa thuận), chọn những cây khỏe để lại thay vì lấy măng.

Trồng tre Bát Độ lấy măng, khâu thu hoạch là khó nhất, bởi đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật, đặc tính của cây tre và măng. Để nâng cao chất lượng măng trong thời gian thu hoạch, măng phải được phủ gốc bằng đất và mùn hữu cơ thành một lớp dày 16-30cm hoặc hơn nữa. Khi măng bắt đầu nhú lên khỏi lớp đất phủ từ 10-20cm sẽ thu hoạch phần tiếp giáp giữa thân ngầm và thân măng.

Ông Quốc Vũ cho biết thêm: “Thời điểm trồng rau má thất bại, tôi không còn vốn để gầy dựng mô hình mới. Nhờ được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo chương trình giải quyết việc làm, tôi đầu tư cây giống, phân bón và cải tạo lại vườn để trồng măng. Hiện tôi trồng 2ha với 1.100 bụi tre Bát Độ lấy măng, bình quân mỗi bụi thu hoạch 120kg măng/năm”.

Nắm bắt thị trường

Nhận thấy nhu cầu mua dế làm thức ăn cho chim và cá cảnh ngày càng nhiều, ông Nguyễn Văn Của (ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) tận dụng rau xung quanh nhà và đất trống sau nhà để nuôi dế. Theo đó, ông mua con giống và 8 lồng nuôi dế với chi phí khoảng 3 triệu đồng, trong đó có 2 lồng ươm con giống.

Dế sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên. Muốn đàn dế phát triển nhanh, đạt năng suất, tránh dịch bệnh, ông Của chú ý vệ sinh chuồng trại trong quá trình nuôi; đồng thời, bố trí thêm các nhánh cây, thùng giấy để tạo môi trường hoang dã cho dế trú ẩn hoặc bay nhảy một cách tự nhiên, nhất là che đậy nơi nuôi rất kỹ nhằm tránh mưa gió.

Hiện nay, nhu cầu mua dế làm thức ăn cho cá và chim cảnh ngày càng nhiều nên ông Nguyễn Văn Của mạnh dạn đầu tư nuôi dế

Dế nuôi khoảng 25-30 ngày có thể bán dế thịt, từ 35-55 ngày có thể khai thác trứng. Tuy nhiên, dế sau khi sinh sản sẽ tự chết. Trung bình một lồng, mỗi tháng, ông Của thu hoạch khoảng 16kg dế thương phẩm, bán trên 100.000 đồng/kg. Với 6 thùng dế thương phẩm, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, ông Của có lãi trên 5 triệu đồng. Theo ông Của, đây là mô hình phù hợp với người lớn tuổi, bởi thời gian chăm sóc ít, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định bởi nhu cầu mua dế làm thức ăn cho cá và chim cảnh rất nhiều. Hiện gia đình ông vẫn không đủ dế thương phẩm để bán cho khách hàng.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, góp phần giải “bài toán” về đầu ra cho nông sản. Ông Quốc Vũ, ông Của đã chọn được hướng đi đúng trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Cung cấp Cây bàng đài loan Giá rẻ