Tiếng Việt | English

25/05/2021 - 09:28

Cần Đước: Chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm

Nhằm phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Cần Đước (tỉnh Long An) chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và nâng cao ý thức của người chăn nuôi, góp phần giảm thiệt hại về tài sản cho người dân và hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ông Hồ Thanh Minh luôn ý thức chủ động phòng, chống bệnh trên gia cầm để bảo vệ đàn gà đang cho trứng hơn 10.000 con

Những năm qua, huyện Cần Đước là một trong những địa phương thường xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm (DCGC), nhất là thời điểm cuối năm 2020 - đầu năm 2021. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi mà còn làm cho nền nông nghiệp địa phương chậm phát triển. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xuất hiện DCGC ở huyện là người dân mua con giống không rõ nguồn gốc, chưa tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin hoặc vệ sinh chuồng trại chưa tốt.

Anh Ung Hoàng Quốc, ngụ xã Phước Đông, trải lòng: “Thấy người dân xung quanh chăn nuôi gà có thu nhập ổn định, có người còn làm giàu, tôi quyết định nuôi 1.200 con gà. Đến tháng 11/2020, số gà chuẩn bị xuất chuồng thì bị nhiễm vi-rút H5N1 nên phải tiêu hủy toàn bộ. Tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng và công chăm sóc. Điều này làm gia đình lâm cảnh nợ nần, e ngại trong việc tái đàn”.

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp huyện đã đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, trong đó có việc nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi. Ông Hồ Thanh Minh, ngụ xã Tân Lân, nói: “Chăn nuôi mà nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo địa phương này, địa phương kia có gia cầm bị bệnh cúm là gia đình tôi rất sợ. Do đó, để bảo vệ chuồng gà trên 10.000 con đang trong giai đoạn đẻ trứng, tôi thường mua thuốc sát trùng về vệ sinh chuồng 5 ngày/lần; đồng thời, cứ vài tháng thì chích vắc-xin phòng cúm. Tài sản của mình, mình phải chủ động bảo vệ trước, đừng trông chờ vào ai hết”.

Hiện nay, huyện Cần Đước có trên 1 triệu con gia cầm các loại. Đợt dịch cuối năm 2020, huyện đã xuất hiện 6 điểm dịch. Nhờ phát hiện sớm, ngành chuyên môn triển khai nhanh các biện pháp dập dịch, hạn chế lây lan diện rộng ra các địa phương còn lại. Song, ngành Nông nghiệp huyện rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trước khi tái đàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch tiêu độc, khử trùng từ đầu năm, đến nay đã hoàn thành. Ngoài ra, huyện còn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cạn và Tổ phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời khi có ổ dịch xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người chăn nuôi. Đặc biệt, huyện chú trọng, khuyến khích, hỗ trợ người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”.

Dịch bệnh trên gia cầm là điều không ai mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, người chăn nuôi có thể chủ động phòng, chống bằng việc tích cực thực hiện tốt khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Tin rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện và sự chủ động, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi, đàn vật nuôi của huyện Cần Đước tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh trên địa bàn./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích