Tiếng Việt | English

14/12/2020 - 08:52

Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp

Từ giữa tháng 10 đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm (GC) trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, nhất là việc tái xuất hiện dịch tả heo châu Phi và dịch cúm GC A/H5N6 tại các huyện: Tân Trụ, Cần Đước, Châu Thành.

Hiện toàn tỉnh xảy ra 6 ổ dịch cúm GC trên địa bàn huyện Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành, đã tiêu hủy hơn 19.000 con GC các loại; 9 ổ dịch tả heo châu Phi tại Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Châu Thành và Tân Hưng với tổng số heo tiêu hủy 167 con; 3 ổ dịch lở mồm long móng trên bò tại huyện Tân Trụ, Cần Đước.

Các ổ dịch cúm GC và lở mồm long móng xảy ra chủ yếu do người chăn nuôi không chủ động tiêm phòng hoặc khi phát hiện mới tiêm phòng và tự điều trị cho đàn vật nuôi. Đối với dịch bệnh trên heo, nguyên nhân tái xuất hiện các ổ dịch là do chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, tâm lý chủ quan khi tình hình dịch tả heo châu Phi trước đó tạm lắng.

Người dân vẫn chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học

Qua điều tra dịch tễ, đa số các ổ dịch tả heo châu Phi đều liên quan đến việc tái đàn, nhập đàn mới và mua con giống chưa bảo đảm, một số ổ dịch thì phát sinh từ các ổ dịch cũ. Ngoài ra, thời tiết bất lợi, mưa nhiều kéo dài trước đó cũng là yếu tố làm bùng phát dịch bệnh.

Trước tình hình trên, công tác phòng, chống dịch được thực hiện khẩn trương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; thực hiện tốt việc tiêu hủy gia súc, GC bệnh chết; khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng bao vây vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp, tập trung khống chế các ổ dịch, không để lây lan diện rộng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, ngay từ khi có dịch xảy ra, Sở tiến hành phân bổ các vật tư để khoanh vùng, chống dịch theo quy định; đồng thời, yêu cầu UBND các huyện Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai khẩn cấp các biện pháp khống chế dịch. Trong đó, chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh đến người dân; tổ chức tiêm phòng, phun xịt tiêu độc, khử trùng; phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp UBND cấp xã xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh trên địa bàn; căn cứ vào đặc điểm địa phương để lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc, GC tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.

“Song song đó, tiến hành rà soát số lượng tổng đàn, phân loại đàn thuộc diện tiêm; thông tin, tuyên truyền, vận động trước và trong đợt tiêm phòng để người chăn nuôi hưởng ứng, chủ động tiêm phòng bảo vệ đàn vật nuôi của mình; triển khai tiêm phòng vùng dịch và vùng uy hiếp tập trung trong thời gian ngắn theo hình thức cuốn chiếu nhằm tạo miễn dịch đồng loạt; xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm phòng thu tiền; báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh và kết quả triển khai khống chế dịch (số liệu tiêu hủy, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh, tiêu độc, khử trùng) trước 15 giờ hàng ngày và gửi về Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản để thống kê cụ thể, nắm tình hình và có biện pháp hỗ trợ xử lý kịp thời” - bà Phương Khanh cho biết thêm./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích