Tiếng Việt | English

21/09/2022 - 14:49

Cần Đước tổ chức 4 phiên tòa hình sự xét xử trực tuyến  

4 phiên tòa hình sự được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cần Đước, tỉnh Long An tổ chức nhằm từng bước nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế xây dựng Tòa án điện tử.

Ngày 20/9, TAND huyện Cần Đước tổ chức xét xử trực tuyến 4 vụ án hình sự với điểm cầu chính tại TAND huyện Cần Đước và điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ Công an huyện.

4 vụ án được đưa ra xét xử trực tuyến gồm vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Đức Tiến (36 tuổi, ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy do Chánh án TAND huyện Cần Đước – Thẩm phán Huỳnh Hữu Nghĩa làm chủ tọa.

TAND huyện Cần Đước tổ chức 4 phiên tòa hình sự xét xử theo hình thức trực tuyến

Thẩm phán Lê Hữu Lộc làm chủ tọa xét xử đối 2 vụ án gồm bị cáo Nguyễn Mạnh Luân (20 tuổi, ngụ xã Long Khê, huyện Cần Đước) về tội trộm cắp tài sản và vụ án đối với Nguyễn Thanh Bình (43 tuổi, ngụ xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về tội cố ý gây thương tích.

Vụ án thứ 4 được TAND huyện Cần Đước xét xử do Thẩm phán Nguyễn Ngọc Thám làm chủ tọa xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (33 tuổi, ngụ Phường 11, Quận Tân Phú, TP.HCM) về tội cưỡng đoạt tài sản.

Luật sư bào chữa cho bị cáo từ điểm cầu chính

Tại điểm cầu chính TAND huyện Cần Đước và điểm cầu thành phần Nhà tạm giữ Công an huyện, các phiên tòa trực tuyến đều bảo đảm các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và người tham gia tố tụng. Hình ảnh, âm thanh từ điểm cầu chính và điểm cầu thành phần được bảo đảm tốt phục vụ cho việc truyền dẫn tín hiệu, không gián đoạn quá trình xét xử.

Việc xét xử trực tuyến bảo đảm các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự

Theo TAND huyện Cần Đước, việc tổ chức các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp, cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Quốc hội.

Đồng thời, việc thực hiện các phiên tòa trực tuyến cũng bảo đảm việc không trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ để tham gia phiên tòa, từ đó tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử, từng bước nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế xây dựng Tòa án điện tử./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết