Tiếng Việt | English

16/05/2016 - 23:01

Cần Giuộc: Nhiều mô hình tự quản về an ninh, trật tự hoạt động hiệu quả

Thời gian qua, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thực hiện hiệu quả nhiều mô hình tự quản về an ninh, trật tự, qua đó góp phần kéo giảm hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Huyện Cần Giuộc là địa bàn giáp ranh với TP.HCM nên hoạt động của các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, từ năm 2010 đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) huyện xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động 12 mô hình tự quản về ANTT.

Trong đó, củng cố 2 mô hình: “Tiếng kẻng về ANTT gắn với đường dây nóng tố giác tội phạm” và mô hình “Ánh sáng ANTT phòng, chống tội phạm”. Đồng thời, xây dựng mới 10 mô hình: “Đường dây điện thoại nóng chốt chặn, vây bắt tội phạm”; “Phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại và tai nạn thương tích trẻ em”; “Nhà trọ an toàn không tội phạm gắn với Câu lạc bộ Nhà trọ bảo đảm ANTT”;…

Một trong những mô hình đạt hiệu quả nổi bật trên địa bàn huyện, được chọn nhân rộng trên địa bàn tỉnh, đồng thời, được các tỉnh khác đến học tập, làm theo là mô hình "Camera giám sát ANTT". Mô hình này xuất hiện đầu tiên ở xã Mỹ Lộc vào tháng 10-2015. Với phương châm “Internet đến đâu, camera an ninh đến đó”, xã Mỹ Lộc vận động các tổ chức, cá nhân gắn gần 100 camera trên toàn xã.

Mô hình Camera giám sát ANTT ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc

Hình ảnh camera ghi lại được lưu trữ và trích xuất khi cần, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, góp phần tích cực trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Hiện, trên toàn huyện đã gắn trên 200 camera với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng.

Mô hình “Ánh sáng ANTT phòng, chống tội phạm” được triển khai thực hiện vào năm 1996 ở xã Phước Lý và nhân rộng, duy trì thực hiện trên toàn huyện cho đến nay. Các ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đặt hơn 2.706 bóng đèn, với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Hằng tháng, nhân dân đóng góp trả tiền điện để duy trì mô hình.

Qua thực hiện mô hình, nhân dân cung cấp hơn 378 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng làm rõ 17 vụ, 18 đối tượng trộm cắp tài sản; 1 vụ, 2 đối tượng cướp giật tài sản, bắt 6 vụ, 14 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; triệt xóa 9 vụ, 53 đối tượng đánh bạc; giải quyết 52 vụ việc liên quan đến ANTT, góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương.

Mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT” được thực hiện từ năm 2014 ở địa bàn xã Phước Lại. Năm 2015, Ban Chỉ đạo huyện chọn xã Phước Lâm làm điểm của huyện và nhân rộng mô hình ở các xã: Long Thượng, Phước Hậu, Tân Tập, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây.

Qua thực hiện mô hình, ý thức cảnh giác của người dân không ngừng được nâng lên, nhất là trong phát hiện, truy bắt, tố giác tội phạm, giúp cơ quan điều tra nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án, góp phần giữ vững tình hình ANTT tại địa phương./.

T.Phượng

Chia sẻ bài viết