Tiếng Việt | English

27/05/2020 - 14:11

Cần liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long

Cây thanh long không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập đáng kể cho người dân mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để thanh long có đầu ra ổn định phải có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Để thanh long có đầu ra ổn định, cần liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ

Để thanh long có đầu ra ổn định, cần liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ

Còn khó khăn về đầu ra

 Sau thời gian dài giá giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháng 3/2020, giá thanh long đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, yếu tố tăng giá vẫn chưa bền vững, còn bấp bênh.  Ông Nguyễn Thành Trung, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Những năm gần đây, không riêng gì Châu Thành mà tại nhiều địa phương khác, diện tích trồng thanh long tăng ồ ạt, trong khi thị trường thì phụ thuộc vào Trung Quốc, giá cả lại bấp bênh. Gia đình tôi trồng hơn 1.000 gốc thanh long nhưng chẳng năm nào bán được giá giống nhau. Có năm, giá lên  25.000 đồng/kg nhưng có năm chỉ khoảng 5.000 đồng/kg”. 

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh hiện còn bất cập. Trung bình, sản lượng thanh long của tỉnh khoảng 300.000 tấn/năm, trong đó có 70- 80% tiêu thụ thị trường Trung Quốc. Mặt khác, phần lớn quy mô sản xuất của các hợp tác xã (HTX) còn nhỏ, lẻ, hầu hết chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa đủ tiềm lực và năng lực để thu mua và xuất khẩu thanh long. Hệ thống phân phối thanh long còn nhiều bất cập, chủ yếu  tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều tầng nấc trung gian. Các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô,... số lượng và quy mô sản xuất còn nhỏ.

Đầu ra của thanh long là bài toán khó. Vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thanh long tồn đọng hàng chục ngàn tấn nên tỉnh phải phối hợp các doanh nghiệp “giải cứu” trái thanh long. Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, sau khi tỉnh tổ chức hội nghị tìm giải pháp tiêu thụ trái thanh long trong bối cảnh không xuất sang được thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đã tiếp xúc với địa phương để hỗ trợ tiêu thụ. Tuy nhiên, khi việc bàn bạc về giá cả sắp xong thì gặp trở ngại do thị trường Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận trở lại dù còn cầm chừng. “Do tâm lý người trồng thanh long, khi thấy thị trường Trung Quốc tiếp nhận trở lại, dù là nhỏ giọt nhưng vẫn đề nghị giá bán cao hơn. Trong khi đó, các kênh hỗ trợ là để tiêu thụ trong nước, giá bán thấp” - ông Đức giải thích. Cũng theo ông Đức, tình hình trái thanh long ứ đọng do dịch bệnh lần này càng đặt ra yêu cầu bức thiết xây dựng chiến lược tiêu thụ trái thanh long. Chiến lược đó gồm 2 việc chính là xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ trong nội địa, giúp người dân cả nước có thể tiêu thụ dễ dàng các loại trái cây trong nước; thành lập các trung tâm tiêu thụ nông sản Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là  thị trường lớn Trung Quốc, giúp bớt lệ thuộc vào thương lái nước ngoài và tránh được rủi ro như hiện tại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để thanh long xuất khẩu sang thị trường khó tính thì đòi hỏi chất lượng phải đảm bảo. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đòi hỏi người trồng đẩy nhanh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thanh long; đồng thời, địa phương bảo đảm kết cấu hạ tầng vùng tập trung sản xuất thanh long như điện, nước, đường,… Bên cạnh đó, ngành tuyên truyền thực hiện nhiều mô hình nhân rộng sản xuất thanh long sạch theo hướng hữu cơ”.

Thực hiện đề án, giải quyết khó khăn

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 11.980ha thanh long, trong đó có khoảng 593ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, một số ít diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Diện tích cho trái trên 10.500ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An,… Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 25 HTX sản xuất, 160 HTX, tổ hợp tác thu mua, chế biến, trong đó có khoảng 100 cơ sở có kho lạnh bảo quản.

Thanh long là 1 trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và nằm trong 12 cây ăn quả chủ lực của quốc gia (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt). Hiện nay, thanh long xuất khẩu dạng tiểu ngạch như trước đây không còn thuận lợi mà phải tính đến xuất khẩu bằng con đường chính ngạch với những đòi hỏi hết sức khắt khe về chất lượng cùng những rào cản nghiêm ngặt phải tuân thủ.Trước tình hình trên, việc xây dựng chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long đối với địa phương là rất quan trọng và cần thiết.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thanh long chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Kể từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng yêu cầu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp mã số vùng trồng thanh long và cấp mã số kho, cơ sở xuất khẩu cho 130 cơ sở đóng gói quả tươi. 

Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với tỉnh về việc “Xây dựng và thực hiện Đề án đầu  tư phát triển chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025”. Để thực hiện thành công đề án, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân hưởng lợi; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo đột phá trong sản xuất và tiêu thụ thanh long thông qua những việc làm cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về cơ chế đất đai, thủ tục hành chính, giảm phí, lệ phí, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình thâm canh cũng như kiện toàn kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh,…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết: “Để bảo đảm thanh long có đầu ra ổn định, người dân sản xuất hiệu quả, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”, UBND tỉnh thống nhất Đề án Đầu tư phát triển chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thông tin cụ thể, chính xác những thuận lợi, khó khăn của địa phương nhằm phối hợp thật tốt với Liên minh HTX Việt Nam xây dựng một chuỗi từ trồng, chế biến đến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước trên cây thanh long. Khi đề án được triển khai sẽ góp phần phát triển bền vững chuỗi thanh long, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, 
doanh nghiệp,…”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết