Ngày xưa, phụ nữ (PN) trong gia đình chỉ lo đối nội, làm tốt việc tề gia nội trợ còn đàn ông thì lo đối ngoại, làm kinh tế, tham gia chính sự,... Nhưng ngày nay, PN dường như làm được tất cả những công việc của đàn ông.
Trong xã hội, một số ngành, nghề, PN chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới như: Giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng,... còn một số ngành, nghề trước đây chỉ dành cho đàn ông, giờ đây, PN cũng bắt đầu tham gia và có những thành công nhất định, chẳng hạn như: Công nghệ thông tin, xây dựng dân dụng, cơ khí động học,... Thậm chí, phi công lái máy bay trước đây ở nước ta là một ngành nghề đặc biệt chỉ dành riêng cho nam giới thì giờ đây, Việt Nam cũng có những nữ phi công lái máy bay trên bầu trời.
Điều đó cho thấy, PN tham gia hầu như ở mọi lĩnh vực; tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn còn tình trạng chưa mạnh dạn ưu tiên quy hoạch PN tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Công tác PN vẫn gặp phải nhiều rào cản, bất cập, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các hoạt động lãnh đạo, quản lý trong nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương do nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, thậm chí quan niệm hoàn toàn sai lệch về bình đẳng giới và công tác PN; công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ còn nhiều khó khăn;...
Chính vì vậy, để nâng cao vai trò quản lý và vị thế người PN trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chủ động, mạnh dạn ưu tiên đề bạt, bố trí PN. Điều này sẽ giúp chị em có cơ hội hoàn thiện bản thân, khắc phục khó khăn để vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và ngoài xã hội, phấn đấu đạt các chuẩn mực của người PN Việt Nam trong thời kỳ mới./.
Thi Hoàng