Tiếng Việt | English

16/07/2022 - 08:45

Cảnh giác với chơi hụi

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là các vùng nông thôn xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỉ đồng. Mặc dù ngành chức năng thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của những vụ vỡ hụi.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ vỡ hụi là người dân quá tin tưởng vào đầu thảo (Trong ảnh: Chủ hụi ở huyện Cần Giuộc và hụi viên chưa bảo đảm thỏa thuận bằng văn bản và không được công chứng)

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ vỡ hụi là người dân quá tin tưởng vào đầu thảo (Trong ảnh: Chủ hụi ở huyện Cần Giuộc và hụi viên chưa bảo đảm thỏa thuận bằng văn bản và không được công chứng)

Lợi dụng “chơi hụi” để chiếm đoạt tài sản

“Chơi hụi rồi vỡ hụi” đã trở thành "điệp khúc" nhưng nhiều người vẫn cứ vướng vào. Theo Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường - Lê Minh Dũng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ vỡ hụi là người dân quá tin tưởng vào đầu thảo, không tìm hiểu và nắm vững những quy định của pháp luật nên đến khi xảy ra vỡ hụi thì không có cơ sở pháp lý để khiếu nại, kiện chủ hụi ra tòa hoặc bảo vệ quyền lợi của mình.

“Mặc dù Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định cụ thể việc chủ hụi phải thông báo bằng văn bản nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp chủ hụi lợi dụng lòng tin của những người chơi để chiếm đoạt tài sản. Khi phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra tòa án hoặc khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự thì việc thỏa thuận chơi hụi đa số là bằng miệng dẫn đến việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ án gặp khó khăn” - ông Lê Minh Dũng nhấn mạnh.

Vì quá tin tưởng bà N.T.M.L. (đầu thảo vụ vỡ hụi hàng tỉ đồng) ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc mà hàng chục người dân phải lâm cảnh điêu đứng. Điều đáng nói, những nạn nhân trong vụ vỡ hụi chủ yếu là công nhân, nông dân, nội trợ, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào làm nông, buôn bán nhỏ, lẻ hoặc đi làm công nhân trong các khu công nghiệp.

Bà T.T.H. - nạn nhân của vụ vỡ hụi ở xã Phước Lại, kể: “Sau khi nghe bà M.L. bỏ trốn, mang theo số tiền gần 4 tỉ đồng, tôi buồn đến nỗi mất ăn, mất ngủ. Làm công nhân cực nhọc, tiết kiệm chi tiêu để hàng tháng đóng hụi với hy vọng có một khoản tiền kha khá sửa lại căn nhà. Vậy mà gần tới ngày được hốt hụi thì bà M.L. lại bỏ trốn”.

Về bản chất, chơi hụi không phải xấu, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy định, đây là cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với kiểu sinh hoạt ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, chơi hụi ngày nay có nhiều biến tướng, nhiều rủi ro, bởi một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, các vụ vỡ hụi xảy ra ngày càng nhiều khiến không ít gia đình điêu đứng.

Cần cảnh giác khi "chơi hụi"

Thực tế hiện nay, chính quyền địa phương ít nắm thông tin về việc chơi hụi của người dân, cho đến khi vỡ hụi mới trình báo cơ quan công an. Thông tin từ UBND tỉnh, đầu năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 2 tin báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan hoạt động hụi. Kết quả, đã điều tra, làm rõ, khởi tố 1 vụ, 1 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bằng hình thức chơi hụi) và hướng dẫn khởi kiện dân sự 1 vụ.

Để ngăn chặn việc lợi dụng chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai, thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hụi, trong đó tập trung tuyên truyền Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường để người chơi hụi biết tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài việc thỏa thuận về dây hụi bằng văn bản thì người tham gia có thể yêu cầu chủ hụi cấp giấy biên nhận cho việc góp hụi, lĩnh tiền hụi, nhận lãi, trả lãi,... Công an tỉnh, nhất là cấp cở sở phối hợp lực lượng chức năng tổ chức rà soát, nắm thông tin việc mở hụi trên địa bàn phụ trách; đối với việc tổ chức dây hụi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hay khi tổ chức từ 2 dây hụi trở lên thì yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú nắm nhằm kịp thời phản ánh khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật với cơ quan công an để giải quyết kịp thời.

"Chơi hụi" mang nhiều rủi ro và hệ lụy, vì vậy, người dân nên chọn lựa hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn. Nếu chọn hình thức “chơi hụi” thì người tham gia cần phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn chủ hụi; đồng thời, nắm vững các quy định của pháp luật liên quan để vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro do vỡ hụi./.

Việc "chơi hụi" được quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ nhưng việc nhận thức, hiểu biết của chủ hụi, hụi viên và người dân còn rất hạn chế. Chủ hụi và các hụi viên cần lưu ý những nội dung sau: Không lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về hình thức thỏa thuận, chủ hụi và hụi viên phải thỏa thuận bằng văn bản và văn bản phải được công chứng hoặc chứng thực nếu các bên có yêu cầu. Về trách nhiệm của chủ hụi, khi mở một dây hụi mà giá trị của phần khui hụi 1 lần có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc chủ hụi mở từ 2 dây hụi trở lên, bắt buộc chủ hụi phải làm thông báo đến UBND cấp xã nơi cư trú biết, nếu mà chủ hụi không thực hiện sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết