Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Đậu (ấp Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc)
Căn nhà tình nghĩa được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 ngày làm ấm lòng gia đình bà Nguyễn Thị Đậu (SN 1958, ngụ ấp Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc). Hiện bà Đậu thờ cúng anh trai mình - liệt sĩ Lê Văn On, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Căn nhà có diện tích 47m2, tổng kinh phí xây dựng 150 triệu đồng. Trong đó, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Trần Chiến Thắng vận động hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại gia đình đóng góp. “Tôi rất vui vì có được căn nhà mới. Tôi cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, chính quyền địa phương đã quan tâm xem xét và hỗ trợ gia đình” - bà Đậu nói.
Còn Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm (ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) bộc bạch: “Thời gian qua, huyện Cần Giuộc nói chung, xã Đông Thạnh nói riêng thường xuyên quan tâm đến các đối tượng chính sách của xã cũng như gia đình tôi. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, cấp ủy Đảng, chính quyền đều tổ chức thăm hỏi, thực hiện tốt các chế độ, chính sách, nhất là lúc tôi ốm đau. Trước sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, tôi và gia đình cảm thấy rất ấm lòng”.
Đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phan Thị Nhị (ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc), Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Cần Giuộc bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước những hy sinh, cống hiến của mẹ Nhị cũng như các Mẹ VNAH khác.
Tuổi trẻ huyện Cần Giuộc đến thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Nhị (ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc)
Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết, không chỉ tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, các cơ sở Đoàn tiếp tục thực hiện các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" thông qua các phần việc như chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ dọn dẹp nhà cho các Mẹ VNAH, thắp nến tri ân, giáo dục truyền thống,...
Những hoạt động thực tế, câu chuyện kể từ những chuyến thăm hỏi giúp thế hệ trẻ càng thấu hiểu được sự mất mát, đau thương, những hy sinh của thế hệ đi trước. Từ đó, tuổi trẻ huyện Cần Giuộc càng ý thức được trách nhiệm của mình, cố gắng phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, gìn giữ và phát huy những thành quả của thế hệ đi trước, góp sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp.
Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Trần Thị Mai Xuân, toàn huyện có hơn 10.200 đối tượng người có công với cách mạng, gồm 3.433 liệt sĩ, 378 thương binh, 81 bệnh binh, 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 190 người tham gia hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 5.500 người có công giúp đỡ cách mạng, 101 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 580 Mẹ VNAH, hiện còn sống 8 mẹ.
Đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm các phần việc chăm lo cho các gia đình chính sách
Thời gian qua, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện hưởng ứng sâu, rộng bằng những việc làm thiết thực. Huyện quan tâm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho các đối tượng chính sách.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 1,1 tỉ đồng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhất là trong đợt kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7),... Qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, mang nhiều ý nghĩa thiết thực đối với huyện Cần Giuộc. Đây vừa là nghĩa tình, vừa là trách nhiệm để mỗi cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ trong huyện chung tay cùng cộng đồng chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của các gia đình chính sách, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng./.
Thanh Nga