Tiếng Việt | English

11/10/2017 - 19:43

Chăm lo đời sống cho nữ công nhân, lao động

Chăm lo đời sống cho công nhân, lao động (CNLĐ), đặc biệt nữ CNLĐ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Hướng đến chào mừng Ngày Phụ nữ (PN) Việt Nam 20/10, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh - Lê Thị Thu Cúc có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Long An về các hoạt động chăm lo cho nữ CNLĐ trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc

► PV: Thưa bà, bà có thể cho biết hiệu quả hoạt động của các phong trào chăm lo cho CNLĐ, nhất là CNLĐ nữ trong thời gian qua?

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc: Nhằm phát huy vai trò của nữ CNLĐ trong thời kỳ mới, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục. Nội dung tuyên truyền phải kể đến hàng loạt chuỗi hoạt động với nội dung: Bình đẳng giới vì sự tiến bộ của PN; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị quyết 6B của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 03 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về đẩy mạnh phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; công tác dân số - sức khỏe sinh sản, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nữ CNLĐ;... Bằng nhiều hình thức tuyên truyền: Họp mặt, nói chuyện chuyên đề, hội thi cắm hoa, nấu ăn, hát karaoke, tham quan, du lịch,... nữ CNLĐ ngày càng phát huy vai trò của mình trong xã hội, không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước.

Song song đó, ban nữ công các cấp Công đoàn phối hợp ban chấp hành Công đoàn cùng cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CNLĐ nữ về tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nâng lương, ngày phép,... nhằm đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ nữ. Những năm trước, khái niệm chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn xa lạ đối với CNLĐ thì vài năm trở lại đây, lao động nữ dần tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đó là sự nỗ lực của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các cấp, các ngành, tổ chức và doanh nghiệp trong việc cải thiện điều kiện làm việc cho nữ.

► PV: Công tác phối hợp trong chăm lo cho CNVCLĐ, trong đó có CNLĐ nữ, giữa LĐLĐ và Hội Liên hiệp PN tỉnh được thực hiện như thế nào?

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc: Thời gian qua, Công đoàn và Hội Liên hiệp PN các cấp tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chế độ, chính sách liên quan đến nữ: Công tác PN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Hội thi tìm hiểu kiến thức về giới, bình đẳng giới, pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ; Hội thi tuyên truyền về phẩm chất đạo đức PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Dạy con thời hội nhập; Dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi;...

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh và Hội Liên hiệp PN tỉnh còn phối hợp ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản cho CNVCLĐ nữ: Không sinh con thứ 3 trở lên; nói chuyện chuyên đề về bệnh tim mạch, cao huyết áp; chăm sóc sức khỏe sinh sản;... Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh, Sở Y tế cùng các doanh nghiệp nỗ lực trong việc cải thiện điều kiện làm việc cho nữ CNLĐ tại các nhà máy, xí nghiệp. Đây là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hài hòa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

► PV: Để bảo đảm quyền lợi CNVCLĐ, công tác giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho CNLĐ nữ được triển khai, thực hiện như thế nào?

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc: Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của PN, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn không ngừng phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PN và sự nghiệp bình đẳng giới; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, xây dựng hình ảnh người PN Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các tiêu chí: Yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; tích cực tham mưu, đề xuất chính sách, thực hiện giám sát và phản biện xã hội; hỗ trợ PN giảm nghèo, khởi sự doanh nghiệp, PN làm công tác khoa học; hỗ trợ PN kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình,...

Các phong trào: "PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch",... tạo động lực thúc đẩy đội ngũ CNLĐ nữ ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để xứng đáng với các phẩm chất cao đẹp của người PN. Những năm qua, PN nói chung và CNLĐ nữ nói riêng không ngừng phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của PN trong gia đình và xã hội hiện nay.

Công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nữ CNLĐ được Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh giám sát chặt chẽ. Các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động nữ. Một số doanh nghiệp có đông lao động nữ còn phát sữa miễn phí cho con em CNLĐ, xây dựng tủ sách học tập thiếu nhi, trợ cấp tiền cho nữ lao động khi sinh con, xây dựng nhà giữ trẻ, trợ cấp tiền nuôi con cho CNLĐ giỏi, xuất sắc,... Không những thế, ban nữ công còn đề nghị ban giám đốc các doanh nghiệp thực hiện một số chính sách khác cho lao động nữ, tổ chức cho nữ CNLĐ khám phụ khoa định kỳ, hỗ trợ tiền thuốc trị bệnh; duy trì hiệu quả mô hình điểm cabin vắt, trữ sữa cho CNLĐ nữ,...

► PV: Xin cảm ơn bà!

Song Hồng 

Chia sẻ bài viết