Tiếng Việt | English

30/12/2019 - 15:37

Chăm sóc sức khỏe toàn dân

Ngành y tế tỉnh Long An thực hiện nhiều giải pháp phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Qua đó, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân.

Phát triển y tế cơ sở giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tại chỗ mà không cần phải chuyển lên tuyến trên
Phát triển y tế cơ sở giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tại chỗ mà không cần phải chuyển lên tuyến trên

Phát triển y tế cơ sở 

YTCS là nơi đầu tiên, trực tiếp CSSK ban đầu cho người dân tại cộng đồng. Hiện nay, số lượng bệnh nhân (BN) đến khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến xã chiếm 55-60% tổng số khám bệnh chung của toàn tỉnh. Vì vậy, Sở Y tế luôn tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới YTCS nhằm giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại với chi phí thấp, góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên.

Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tập trung triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới trạm y tế (TYT) xã giai đoạn 2017-2020 theo lộ trình. Quy mô xây dựng cơ sở vật chất cho TYT phân vùng 1, vùng 2 và vùng 3 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT, ngày 07-11-2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Tổng kinh phí trên 126 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Theo đó, công tác CSSK ban đầu cho người dân được tăng cường. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi.Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai rộng khắp và hiệu quả”.

Toàn tỉnh có 174/174 TYT có bác sĩ (BS). Đến nay, có 158 xã, phường (chiếm 90,8%) đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2014-2020. Mặc dù tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cho các TYT nhưng do nguồn vốn có hạn nên trung bình mỗi năm có 14-16 TYT được đầu tư nâng cấp theo hướng dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu CSSK của người dân. Khắc phục thực trạng này, Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới TYT xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2021. Kinh phí thực hiện dự toán trên 213 tỉ đồng từ ngân sách của ngành, tỉnh và nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, EU viện trợ.

Mục tiêu đề án, đến năm 2021 có 100% TYT xã có đủ điều kiện KCB BHYT và thực hiện được đầy đủ nội dung của CSSK ban đầu; thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% cán bộ y tế tuyến xã được đào tạo liên tục theo đúng quy định tại Thông tư số 22/22013/TT-BYT, ngày 09-8-2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.

Bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân 

BHYT là chính sách xã hội quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” trong KCB và CSSK. Vì vậy, việc thực hiện chính sách BHYT được các cấp, các ngành quan tâm.Tỷ lệ người dân tham gia BHYT không ngừng nâng cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.410.583 người tham gia BHYT, tăng 64.764 người (tăng 4,81%) so với năm 2018, đạt 104,06% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. BHYT toàn dân đạt 93,84% (dân số 1.503.126 người). Hàng năm có hàng triệu lượt người được KCB BHYT với chi phí ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 11-2019, toàn tỉnh có trên 2,9 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền được quỹ BHYT chi trả trên 632 tỉ đồng. Qua đó, góp phần giảm gánh nặng tài chính, chia sẻ rủi ro khi mắc bệnh, nhất là những bệnh của người già, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo,…Với lợi ích ấy, BHYT trở thành “phao cứu sinh” của những BN nghèo.

Cụ thể như trường hợp chị Từ Thị Mai Khanh bị bệnh suy thận mạn. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, không có đất sản xuất, cha của chị Khanh đi làm thuê, mẹ sức khỏe kém nên chỉ ở nhà chăm sóc chị. “Tôi chạy thận đã 13 năm nay, 1 tuần chạy 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Nếu không nhờ bảo hiểm chi trả trong điều trị bệnh thì gia đình không thể trang trải chi phí và tôi cũng không thể kéo dài được sự sống” - chị Mai Khanh chia sẻ.

Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu KCB cho người tham gia BHYT, ngành y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa quy trình tiếp nhận, khám bệnh; quản lý tốt BN đến khám, điều trị bệnh, hồ sơ bệnh án, không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh và cân đối quỹ BHYT. Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHYT trong KCB. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhằm từng bước hướng đến sự hài lòng của người bệnh, nhất là những người KCB bằng BHYT”.

Phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng KCB BHYT là giải pháp bao phủ CSSK toàn dân. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHYT nhằm giữ vững và nâng cao hơn nữa tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

Toàn tỉnh có 29 đơn vị y tế công lập trực thuộc Sở Y tế; hơn 800 cơ sở khám, chữa bệnh và 2 bệnh viện đa khoa tư nhân. Năm 2019, ngành y tế thực hiện đạt và vượt 5 chỉ tiêu của ngành theo nghị quyết của Tỉnh ủy. Cụ thể, tăng dân số tự nhiên 0,57% (chỉ tiêu dưới 0,7%). Số bác sĩ trên vạn dân: 7,5 bác sĩ (chỉ tiêu 7,5). Trạm y tế xã có bác sĩ làm việc: 100% (chỉ tiêu giao 100%). Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,54% (chỉ tiêu 82,5%). Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) chỉ còn 7,9% (chỉ tiêu dưới 9%)./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích