Tiếng Việt | English

25/07/2019 - 20:16

Người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn tại y tế cơ sở

Mô hình Quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình tích hợp tại trạm y tế đang được Bộ Y tế thí điểm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Bác sĩ (BS) CKI. Trần Huỳnh Đức - Phó Trưởng khoa Bệnh không lây nhiễm (KLN) thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An, về vấn đề này.

Theo nguyên lý y học gia đình, người bệnh không chỉ được điều trị mà còn bàn bạc với cán bộ y tế cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình

Theo nguyên lý y học gia đình, người bệnh không chỉ được điều trị mà còn bàn bạc với cán bộ y tế cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình

PV: Xin BS cho bạn đọc biết bệnh KLN là những bệnh nào?

BS.Trần Huỳnh Đức: Bệnh KLN hay còn gọi là bệnh mạn tính, là những bệnh có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung là tiến triển chậm. Một số bệnh KLN phổ biến bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần do rượu, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư khoang miệng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, trực tràng.

PV: Những năm gần đây, các bệnh KLN ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân. BS có thể chia sẻ thêm về điều này?

BS.Trần Huỳnh Đức: Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh KLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh KLN. Năm 2012, có 520.000 trường hợp tử vong, trong đó chiếm 73% do bệnh KLN, 43% trường hợp tử vong do bệnh KLN trước 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay mới có trên 30% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.

Bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán chiếm 43,1% và số chưa được chẩn đoán là 56,9%. Những con số chưa được chẩn đoán hoàn toàn cần được lấp đầy hơn tại y tế cơ sở. Việc chẩn đoán và phát hiện sớm ở y tế cơ sở sẽ giúp việc quản lý và điều trị hiệu quả, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

PV: Với nhiều người, cụm từ “nguyên lý y học gia đình” còn rất mới mẻ, BS có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?

BS.Trần Huỳnh Đức: Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện, liên tục, phối hợp và lấy người bệnh làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng, gồm 6 nguyên lý cơ bản: Toàn diện, phối hợp, lồng ghép, cộng đồng, dự phòng và gia đình.

Bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài, do vậy cần chăm sóc liên tục. Thầy thuốc ở tuyến cơ sở sẽ hiểu rõ tiền sử của người bệnh, chú trọng việc giải thích, tư vấn cho người bệnh về tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe, phát hiện các yếu tố nguy cơ. Đồng thời, thầy thuốc cũng bàn bạc với người bệnh về kế hoạch chăm sóc sức khỏe lâu dài theo suốt vòng đời của họ.

PV: BS có thể chia sẻ thêm về các nguyên lý cơ bản này?

BS.Trần Huỳnh Đức: Chăm sóc toàn diện là lấy con người làm trung tâm, phục vụ cả người bệnh lẫn người khỏe, xử trí người bệnh chứ không chỉ xử trí bệnh. Các BS ngoài điều trị còn quan tâm đến phục hồi chức năng, tư vấn, dự phòng và nâng cao sức khỏe cho người bệnh.

Chăm sóc lồng ghép, phối hợp là bác sĩ ở cơ sở trực tiếp điều trị và phối hợp các chuyên khoa, các cơ sở khác như bệnh viện tuyến trên chẳng hạn để có phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Với nguyên lý y học gia đình, việc dự phòng bệnh rất được chú trọng chứ không chỉ là điều trị bệnh. Dự phòng bệnh được thực hiện có khi đơn giản chỉ bằng việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống, vận động,...

Hướng gia đình là chăm sóc cả gia đình người bệnh ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời từ khi chào đời cho đến lúc tuổi già. BS sẽ đưa ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng gia đình.

Còn hướng cộng đồng là quản lý người bệnh mạn tính ngay tại cộng đồng, tại cơ sở y tế gần dân nhất. Tìm giải pháp phù hợp với cộng đồng, huy động được sự tham gia của cộng đồng trong việc dự phòng, quản lý và điều trị bệnh.

PV: Như vậy, nhiệm vụ của trạm y tế trong quản lý bệnh KLN theo nguyên lý y học gia đình là gì, thưa BS?

BS.Trần Huỳnh Đức: Các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ tập trung triển khai và làm tốt 6 nhiệm vụ chuyên môn chính. Cụ thể là các trạm sẽ tiến hành truyền thông giáo dục, nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân để từng bước phấn đấu thực hiện mục tiêu mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe.

Các trạm y tế cũng thực hiện quản lý, điều trị các bệnh KLN, trước mắt là các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi. Công tác dân số. Phòng bệnh, tập trung triển khai tốt công tác tiêm chủng, thực hiện các dự án, hoạt động của chương trình mục tiêu y tế dân số, khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật,...

Việc ứng dụng nguyên lý y học gia đình đang được kỳ vọng sẽ giúp các trạm y tế xã phát huy vai trò trong quản lý bệnh KLN.

PV: Việc cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng nguyên lý y học gia đình có thể mang lại lợi ích gì cho người dân?

BS.Trần Huỳnh Đức: Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, các bệnh KLN có chi phí phòng bệnh rất thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn. Nếu công tác này được triển khai hiệu quả ngay từ tuyến y tế cơ sở sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Các bệnh KLN gây quá tải cho tuyến trên trong khi hoàn toàn có thể quản lý và điều trị tại trạm y tế.

Việc cung ứng chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình mang lại rất nhiều lợi ích với cộng đồng dân cư. Trước đây, theo mô hình cung ứng dịch vụ truyền thống, BS chủ yếu tập trung phát hiện bệnh lý và điều trị. Theo mô hình mới, BS quan tâm đến cả các vấn đề về tâm lý và môi trường xã hội, các yếu tố ảnh hưởng không chỉ cá nhân người bệnh mà cả gia đình người bệnh và cộng đồng xung quanh người bệnh.

Chính vì vậy, ngoài việc chăm sóc toàn diện thì còn tạo ra mối quan hệ gần gũi và thân thiện, người bệnh được chăm sóc hiệu quả mà chi phí lại không tốn kém bởi dịch vụ chăm sóc ban đầu kỹ thuật đơn giản.

PV: Mô hình này sẽ giúp gì cho hệ thống y tế cơ sở, thưa BS?

BS.Trần Huỳnh Đức: Theo mô hình này sẽ làm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở; giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Từ đó giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các BS chuyên khoa liên quan.

Mô hình quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại Trạm y tế xã Bình Thành, huyện Đức Huệ

Mô hình quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại Trạm y tế xã Bình Thành, huyện Đức Huệ

Thực hiện nguyên lý y học gia đình sẽ làm tăng cường sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh, nhân viên y tế, giảm những vấn đề bức xúc của xã hội do tình trạng quá tải, giao tiếp, ứng xử,... gây nên. Nó cũng góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe người dân một cách nhanh chóng. Tiết kiệm kinh phí nằm viện, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội.

PV: Nhưng nếu bệnh nặng thì người bệnh có được chuyển tuyến trên không, thưa BS?

BS.Trần Huỳnh Đức: Tất nhiên là được! Không phải quản lý bệnh KLN theo nguyên lý y học gia đình thì người bệnh chỉ được chăm sóc, điều trị tại trạm y tế. Nếu bệnh nặng, người bệnh sẽ được chuyển lên tuyến trên khi vượt quá khả năng chuyên môn của BS.

Theo thống kê, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình(thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích