Tiếng Việt | English

10/08/2019 - 10:30

Chặn “vòi bạch tuộc” “tín dụng đen”

Những năm gần đây, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đang tung hoành ở nhiều tỉnh, thành. Ở Long An, “tín dụng đen” xuất hiện nhiều từ thành thị đến nông thôn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Những tờ giấy có kèm số điện thoại để ai có nhu cầu vay liên hệ được dán kín ở các cột điện

Những tờ giấy có kèm số điện thoại để ai có nhu cầu vay liên hệ được dán kín ở các cột điện
Ảnh hưởng an ninh trật tự, gây mất mỹ quan

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Long An, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn, phương thức tinh vi, phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Điều lo lắng là hoạt động “tín dụng đen” có hướng gia tăng, xảy ra ở hầu hết địa phương trong tỉnh.

Từ thành thị đến nông thôn, ở những cột điện, tường rào, gốc cây, rất dễ dàng bắt gặp những tờ thông báo cho vay với nội dung: Cho vay không cần thế chấp, giải ngân ngay trong ngày, chỉ cần photo các loại giấy chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu,... Thường thì các tờ thông báo này không nêu địa chỉ mà chỉ ghi kèm số điện thoại để liên hệ.

Mặc dù giới thiệu là cho vay nhanh chóng, lãi suất thấp nhưng vay theo dạng này, người vay rất dễ bị lừa vay với lãi suất “trên trời”. Nhiều người vẫn gọi những thông báo vay mập mờ, không rõ ràng treo bừa bãi khắp nơi, mất mỹ quan đô thị là những “ngân hàng gầm cầu”, “ngân hàng trụ điện”,... gắn trên bờ rào, gốc cây, trụ điện, gầm cầu.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đều ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng công an đã tiến hành rà soát, lên danh sách các ổ, nhóm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ, siết nợ để có kế hoạch đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường đấu tranh, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động cho vay vượt lãi suất quy định, tiến hành kiểm tra quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, đặc biệt là hoạt động cầm đồ, kinh doanh tài chính, đòi nợ. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm, tội phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài kiểm tra, xử lý, rà soát còn quan tâm đến công tác tuyên truyền, khuyến cáo trong nhân dân về những cạm bẫy, hệ lụy, lừa gạt và những nguy cơ khi vay “tín dụng đen”. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, công an, đoàn thể các địa phương có những kế hoạch phòng ngừa, xử lý hoạt động “tín dụng đen” và thực hiện những chiến dịch, đợt ra quân để đẩy lùi “tín dụng đen”, vay nặng lãi.

Có nhiều người vay để đánh bạc

Nhiều địa phương, đoàn thể đã tổ chức nhiều đợt đồng loạt ra quân tháo dỡ những tờ thông báo cho vay với hình thức mập mờ, không rõ ràng dán ở khắp nơi cũng được triển khai. Tuy nhiên, vẫn xảy ra thực trạng, có nhiều nơi vừa tháo xong, sau một đêm lại thấy những tờ thông báo dán, treo lủng lẳng trở lại. Chẳng hạn như ở địa bàn TP.Tân An, các thông báo cho vay với thông tin mập mờ, không địa chỉ hiện vẫn được dán rất nhiều nơi, nhất là trên các cột điện.

Để xử lý tình trạng này, lực lượng chức năng tăng cường giám sát, theo dõi, có nơi đã bắt quả tang hành vi dán những thông báo cho vay và xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, vẫn có những đối tượng trước đó đã bị xử lý hành chính vì liên quan đến “tín dụng đen” nhưng rồi vẫn tái diễn vi phạm.

Từ năm 2018 đến tháng 5-2019, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” với các hình thức khác nhau. Trong đó, xử phạt hành chính 63 đối tượng có hành vi vi phạm về mỹ quan đô thị (dán, phát tờ rơi), xâm phạm sức khỏe người khác, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản; răn đe, giáo dục và viết cam kết 28 trường hợp.

Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 6 vụ, 23 bị can. Trong đó, 1 vụ bắt giữ người trái pháp luật, 8 bị can; 2 vụ cố ý gây thương tích, 6 bị can; giết người 1 vụ; cưỡng đoạt tài sản 2 vụ, 8 bị can. Ngoài ra, lực lượng chức năng chuyển cho TP.HCM 1 vụ về hành vi bắt giữ người trái pháp luật; đang chờ kết quả xin ý kiến 3 vụ, tạm đình chỉ xác minh tin báo 1 vụ và đang xác minh 6 vụ.

Trong khi đó, liên quan đến những người vay của “tín dụng đen”, mới đây, trong hội nghị phòng, chống tội phạm do Công an tỉnh tổ chức, Đại tá Trương Văn Chấm - Trưởng Công an TP.Tân An, thông tin, có trường hợp 1 người vay của 18 người. Vay của người này rồi trả cho người kia một ít, số tiền còn lại thì mang đi đánh bạc. Thượng tá Lê Thành Trung - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, cho biết, ở huyện, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi còn tập trung hướng đến những người vay là công nhân đang làm việc ở các khu, cụm công nghiệp. Qua xác định, có nhiều người vay “tín dụng đen”, nặng lãi để tham gia cờ bạc.

Từ thông tin, số liệu tổng hợp của các cơ quan liên quan gửi về, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho biết, đa số những người đi vay tiền từ đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cầm cố tài sản đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp nên khi cần vốn làm ăn, mua bán không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng. Một số khác do khả năng tiếp cận tín dụng chính thức chưa nhiều, ít hiểu biết về giao dịch dân sự theo luật.

Đồng thời, thủ tục vay từ các đối tượng “tín dụng đen” đơn giản nên đã lôi kéo những người có nhu cầu vay. Và thực tế, đối tượng vay “tín dụng đen”, nặng lãi cũng có nhiều người vay để sử dụng vào việc cờ bạc, hoạt động bất hợp pháp.

 Nnư "Cướp ngày"

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức trực tuyến với đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành trong cả nước gần đây, Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm đã nhận được nhiều chất vấn từ đại biểu trong cả nước về “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, xác định hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao. Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới rất khó phân biệt. Bộ trưởng Tô Lâm đã gọi “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi là đi “cướp ngày”. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, lực lượng công an trong cả nước đã và tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra để triệt phá, xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

 3 Đặc trưng nhận diện "Tín dụng đen"  

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, “tín dụng đen” có 3 đặc trưng để nhận diện, gồm: Tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất cao; thủ tục vay rất đơn giản và thường gắn với hoạt động đe dọa, khủng bố người vay.

 Rà soát, nắm rõ cá nhân, tổ chức hoạt động cho vay, đòi nợ 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 535 cá nhân, 34 nhóm hoạt động cho vay, đòi nợ. Các đối tượng, nhóm cho vay đa số là người địa phương khác đến. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có gần 300 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động cho vay như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh vàng hoặc điện thoại kết hợp với dịch vụ cầm đồ. Tài sản thế chấp chủ yếu là vàng, xe máy, nhà đất. Lãi suất thể hiện trên hợp đồng đúng quy định của Bộ luật Dân sự không quá 20%/năm) nhưng thực tế, người đi cầm tài sản phải trả lãi từ 6-10%/tháng, có nơi lên đến 20%/tháng.

 Bị khủng bố tinh thần, siết nợ, chiếm đoạt tài sản 

Thời gian qua, đã có nhiều người vay “tín dụng đen”, cầm đồ phải trả lãi cao nên mất khả năng thanh toán và bị đòi nợ, siết nợ, hăm dọa, khủng bố tinh thần, đổ chất bẩn vào nhà, bị gọi điện hoặc nhắn tin uy hiếp, bị chiếm đoạt tài sản, thậm chí bị đánh đập, bị chém trọng thương,… Cũng vì lo sợ, bị đe dọa nên có những trường hợp không dám khai báo với cơ quan chức năng mà bỏ đi nơi khác.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết