Tiếng Việt | English

28/05/2021 - 14:44

Chàng trai trẻ đam mê làm nông nghiệp sạch

Không cần phải có nhiều tiền, chỉ cần có chí hướng, ham học hỏi, nhất là có niềm đam mê, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, trong đó có anh Lê Phước Lập (SN 1991), ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Anh Lập ươm cây giống bán cho nhiều người

Anh Lập ươm cây giống bán cho nhiều người

Cách đây 3 năm, anh Lê Phước Lập đi du lịch cùng bạn ở tỉnh Ninh Thuận, có đến tham quan vườn nho của các hộ dân làm du lịch ở đây. Anh Lập rất thích và nảy ra ý tưởng trồng những cây nho sai trái trong vườn nhà. Sau khi về quê, anh Lập lên mạng tìm hiểu về các giống nho, dành thời gian quay lại các vườn nho ở Ninh Thuận để mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn.

Anh Lập cho biết: “Lúc đó, tôi chỉ mua được 2 cây nho đỏ và nho xanh nhưng do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên cây nho xanh chết, còn cây nho đỏ thường bị bệnh khi thời tiết giao mùa. Thấy vậy, tôi lại lên mạng tìm mua nhiều giống nho khác như ngón tay (NH01 - 152), kẹo đen (NH01 - 26), mẫu đơn xanh, rượu Kioho, đen, xanh,… trồng thử nghiệm xem loại giống nào phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Phước Hậu. Sau thời gian trồng thử nghiệm, tôi nhận thấy giống nho kẹo đen phù hợp bởi ít sâu, bệnh và ít tốn công chăm sóc. Khi nho kẹo đen ra trái, tôi đăng lên mạng và có nhiều người muốn mua cây giống nên tôi quyết định ươm cây giống để bán. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, tôi bán ra thị trường trên 200 cây giống với giá 100.000 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, thu nhập trên 10 triệu đồng”.

Thông thường, cây nho từ khi trồng đến lúc ra hoa, kết trái là 1 năm và khoảng 3 tháng sẽ chín. Mỗi năm, nho cho thu hoạch 3 vụ. Cây nho sau khi thu hoạch sẽ được cắt nhánh để đâm chồi và cho năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Song, để trồng nho ra trái đòi hỏi người trồng phải nắm rõ quy trình và kỹ thuật cao. Người trồng phải xử lý đất thật tơi xốp trước khi trồng; giàn nho có độ cao từ 1,8-2m; trồng ở nơi thoáng mát, nhiều ánh nắng; phải canh cành không quá non cũng không quá già để cắt cho nhánh đâm chồi, ra hoa và kết trái.

Chị Huỳnh Thị Hai (vợ anh Lập) chia sẻ: “Trong khuôn viên nhà, vườn nho trĩu quả trông rất đẹp mắt, ai đến đây cũng ngỡ như đang đặt chân đến những vườn nho tại Ninh Thuận. Vợ chồng tôi đều thích trồng các loại cây kiểng. Và khi vườn nho ra trái, vợ chồng tôi vui lắm! Giờ đây, sau giờ làm việc ở công ty, vợ chồng tôi cùng nhau ghép cây, ươm cây, hướng dẫn cách chăm sóc cây nho cho nhiều người. Khách hàng của vợ chồng tôi ở nhiều nơi từ miền Tây đến tận miền Trung”.

Vốn là kỹ sư cơ khí nhưng anh Lập có một tình yêu đặc biệt với cây kiểng. Do đó, anh không ngại khó khăn, vất vả, cứ có thời gian rảnh là lên mạng tìm tòi học hỏi, nhất là học từ những người có kinh nghiệm trồng nho tại Ninh Thuận. Nhờ siêng năng, ham học hỏi và đam mê, anh Lập đã gặt hái thành công khi mạnh dạn trồng thử nghiệm loại nho kẹo đen trên đất Phước Hậu, huyện Cần Giuộc.

Chưa bằng lòng với kết quả, anh Lập còn ấp ủ ý định trồng một vườn nho lớn khoảng vài trăm mét vuông như những vườn nho ở Ninh Thuận với phương pháp trồng hữu cơ. Sau đó, anh sẽ mở cửa cho khách đến tham quan và thu hoạch nho tại vườn. Tin tưởng rằng, anh Lập sẽ thành công trên con đường đã chọn./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết