Tiếng Việt | English

10/10/2016 - 09:34

Để nông dân sản xuất hiệu quả

Hiện nay, phần lớn nông dân sản xuất nông nghiệp còn kém hiệu quả, do chưa ổn định được đầu ra. Chất lượng mặt hàng nông sản không đạt yêu cầu, số đông nông dân sản xuất không theo tiêu chuẩn VietGAP, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân tham gia.


Nông dân sản xuất theo chuẩn VietGap để ổn định đầu ra sản phẩm

Sản xuất phải theo chuẩn

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, để sản phẩm của nông dân có đầu ra ổn định, đòi hỏi sản phẩm phải sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Trần Thanh Minh cho biết: “Hiện HTX có 111 thành viên với 40 ha sản xuất rau an toàn, chủ yếu là rau ăn lá. Trong đó, có 25 hộ sản xuất theo hướng VietGAP trên 5ha. Đầu ra sản phẩm ổn định - trung bình 1 ngày khoảng 1,5 tấn rau; trong đó, rau VietGAP chiếm 80%. Do HTX sản xuất rau theo hướng an toàn và bảo đảm ATTP trong nông nghiệp không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay thuốc cấm nên đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Thị trường chủ yếu là các siêu thị, trường học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để nông dân sản xuất theo hướng VietGAP ổn định đầu ra sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn, bởi phần lớn nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chủ yếu sản xuất theo tập quán truyền thống. Vì vậy, sản phẩm thông thường của nông dân rất khó vào thị trường khó tính”.

Thực tế cho thấy, các HTX sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP mỗi ngày chỉ cung cấp cho các siêu thị, đơn vị phân phối nhỏ lẻ trên địa bàn TP.HCM sản lượng cố định. Sản lượng lớn rau, củ, quả còn lại, nông dân phải loay hoay tìm cách bán tại các chợ vì không đạt chuẩn. Riêng vùng chuyên canh sản xuất rau VietGAP ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước hình thành từ rất lâu, có trình độ chuyên canh,... nhưng do quá trình chuyển đổi qua sản xuất rau VietGAP được thực hiện năm 2012 trở lại đây nên việc xúc tiến thương mại đi sau các vùng chuyên canh rau VietGAP khác, từ đó mất đi lợi thế. “Nếu cứ giữ thói quen sản xuất và tiêu dùng như hiện tại thì chỉ có “con đường chết”. Hiện nay HTX, nông dân phải đầu tư sản xuất sản phẩm sạch, tiêu chuẩn VietGAP. Để sản phẩm của nông dân có đầu ra ổn định rất cần có sự kết nối, trợ giúp của các cơ quan chức năng”, ông Minh nói.


Để thanh long phát triển bền vững, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ảnh: Hồng Anh

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 HTX, trong đó có 13 HTX sản xuất nông nghiệp như rau, lúa, chăn nuôi gà,… Thời gian qua, các HTX hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ có HTX rau Phước Hòa nên phần lớn đầu ra của sản phẩm không ổn định do chưa bảo đảm chất lượng. Mặt khác, sản phẩm sạch được bán ra thị trường với giá không ổn định - giá chỉ bằng hoặc cao hơn sản phẩm bình thường không bao nhiêu, nên người dân dân chưa thiết tha sản xuất theo chuẩn. Trước tình hình trên, để sản xuất hiệu quả, thời gian tới, huyện tiếp tục xúc tiến hỗ trợ cho các HTX sản xuất theo hướng VietGAP - theo Quyết định 20 về ban hành quy định chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, để xúc tiến thương mại đầu ra, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung nhận định: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khó khăn nhất là ghi chép quy trình sản xuất. Nông dân sản xuất theo tập quán cũ, không chịu áp dụng kỹ thuật tiên tiến, phần lớn sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá nhiều, nên tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp khá cao. Hiện nay, cây trồng chính của huyện là cây lúa. Trong sản xuất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ, chỉ có 1 cánh đồng lớn - khoảng 50ha, để sản xuất giống. Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền cho nông dân về các chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, sản xuất theo hướng VietGAP để có đầu ra sản phẩm ổn định”.

Chính sách hỗ trợ

Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất đạt hiệu quả, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Triển khai chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và hướng dẫn tiêu chí, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NhoNho, Ủy viên Ban Chỉ đạo VietGAP Trung ương - Hoàng Bá Nghị, ATTP là vấn đề bức xúc hiện nay của xã hội. Vì vậy, khi người dân, trang trại, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp VietGAP thì sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ. Đồng thời, các nhà khoa học, tổ tư vấn sẽ tham gia tập huấn cho nông dân sản xuất đúng quy trình. Nông dân được cấp giấy chứng nhận VietGAP - giấy để chứng nhận mình làm ra sản phẩm an toàn, để có thể xâm nhập vào các thị trường khó tính. Hiện nay, tỉnh Long An có nhiều chương trình hỗ trợ trong sản xuất giữa các hộ, thành lập THT, HTX. Với chương trình hỗ trợ mỗi năm và chính sách về sản xuất theo quy trình VietGAP, thời gian tới, số lượng người tham gia sản xuất theo hướng VietGAP sẽ tăng...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Hiện nay, nông dân sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa đạt hiệu quả cao, đầu ra sản phẩm không ổn định. Qua hội nghị này, hy vọng các địa phương, HTX, doanh nghiệp sẽ nắm rõ hơn chính sách hỗ trợ, quyết định của Nhà nước để liên kết phát triển hiệu quả hơn trong sản xuất và bảo đảm ATTP - vấn đề mà hiện nay các cấp, các ngành và người dân đang rất quan tâm. Ngoài ra, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện các cơ chế ưu đãi cho việc triển khai các nhiệm vụ của chương trình thành phần tại địa phương. Tỉnh lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình với nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội… ./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết