Những ngày qua, việc Công an TP.HCM phối hợp đơn vị nghiệp vụ điều tra các dấu hiệu vi phạm tại Công ty (Cty) Cổ phần Kinh doanh F88 (hoạt động cho vay nhưng có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cho vay tiêu dùng từ các Cty tài chính là hoạt động đã có từ lâu, xuất phát từ nhu cầu của người vay và người cho vay.
Phương thức hoạt động của các tổ chức này khá linh động, xét cho vay không cần chứng minh năng lực tài chính, thủ tục đơn giản, chuyển tiền nhanh,… thế nên nhiều người vì cần tiền gấp mà đã tìm đến Cty tài chính mặc dù lãi suất khá cao. Cụ thể, khách hàng có thể vay tiêu dùng qua hình thức cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe môtô, ôtô, sổ bảo hiểm xã hội,… Với những khoản tiền nhỏ, chỉ cần cung cấp số căn cước công dân, số điện thoại của những người thân là được xét cho vay. Đối tượng khách hàng mà các Cty tài chính “nhắm” đến là công nhân, lao động, người có thu nhập thấp,... không thể tiếp cận dịch vụ tài chính tại các ngân hàng. Trung bình, với mức vay 10 triệu đồng, người vay phải chịu lãi suất từ 20%/tháng trở lên; đồng thời, phải “gánh” thêm các khoản phí hồ sơ, phí xét duyệt,... Gần đây, các Cty tài chính còn cho vay tiêu dùng qua app với thủ tục rất nhanh, gọn, chỉ cần cài đặt, cung cấp thông tin giấy tờ tùy thân và cho phép app truy cập danh bạ. Sau đó, nhân viên của Cty xác nhận thông tin là khoản vay được duyệt.
Với thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, chấp nhận cả những hồ sơ nợ xấu nên mặc dù biết lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều nhưng nhiều người vẫn chọn Cty tài chính. Bên cạnh những tổ chức được cấp phép hoạt động thì còn nhiều cá nhân cho vay tiêu dùng với lãi suất khá cao. Đây được xem là hoạt động “tín dụng đen” và đối tượng được hướng đến là những người đang gặp khó khăn về tài chính: Đánh bạc, thiếu nợ, ốm đau đột xuất,… Khi người vay không trả lãi đúng hẹn, chúng hành xử theo kiểu “xã hội đen”, đe dọa, dùng vũ lực, rồi giới thiệu sang vay tiền của một cá nhân khác (thực chất đây cũng là người trong hệ thống của chúng). Cứ thế “lãi mẹ đẻ lãi con”. Với số tiền vay ban đầu không quá nhiều nhưng sau một thời gian ngắn, “lãi nhập vốn” thành món nợ lớn không thể chi trả. Để đòi được số tiền đã cho vay, chúng liên tục quấy rối người thân của những người vay nợ, thậm chí đe dọa, hành hung,...
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân rất cao. Vậy sao người dân không tìm đến các ngân hàng, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô? Vì họ không đáp ứng tiêu chuẩn. Khi tiếp cận hình thức tín dụng chính thức, người vay cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc mua sắm, tiêu dùng cụ thể và phải có tài sản thế chấp hoặc tín chấp. Trong khi đó, các Cty tài chính chấp nhận cho vay với cả những trường hợp nợ xấu ngân hàng, không cần chứng minh khả năng tài chính, không cần thế chấp,...
Việc vay tiêu dùng từ các Cty tài chính diễn ra theo quy luật “cung - cầu”. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh hoạt động cho vay theo hình thức cầm cố hay vay qua app. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là hoạt động này gây nên một số hệ lụy khi đơn vị thu hồi nợ bằng cách đe dọa, khủng bố, điện thoại làm phiền gia đình, người thân của người vay. Trước những ảnh hưởng của tình trạng này, cơ quan quản lý cần xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng; xây dựng quy định cụ thể điều chỉnh loại hình tài chính tiêu dùng sao cho đáp ứng nhu cầu người dân và không gây hậu quả, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương./.
Tâm Yên