Tiếng Việt | English

17/08/2020 - 12:33

Chủ động giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa Hè Thu

Vụ lúa Hè Thu (HT) 2020, những diện tích thu hoạch sớm trúng mùa, bán được giá cao. Dù vậy, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không được chủ quan ở những diện tích sắp thu hoạch cũng như vụ Thu Đông chuẩn bị gieo sạ trong thời gian tới.

Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu thuận lợi

Vượt qua khó khăn

Sản xuất vụ lúa HT 2020 diễn ra trong điều kiện tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nhưng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng cùng các địa phương trong công tác nắm bắt tình hình và chỉ đạo sản xuất, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả đã góp phần chủ động khắc phục diễn biến bất thường của khí hậu, nguồn nước, dịch hại, bảo đảm đạt kế hoạch sản xuất đề ra. Đến nay, lúa HT xuống giống được 218.502ha, đạt 100,4% kế hoạch (217.640ha), trong đó thu hoạch 100.619ha, năng suất khô ước đạt 55,0 tạ/ha, sản lượng 548.940 tấn. Lúa Thu Đông 2020 gieo sạ được 30.645ha, đạt 65% kế hoạch, bằng 131% so cùng kỳ năm 2019, trong đó thu hoạch 1.626ha, năng suất khô ước đạt 50 tạ/ha, sản lượng 8.130 tấn. Bên cạnh đó, lúa mùa 2020/2021 gieo sạ được 1.070ha, tập trung ở huyện Cần Đước (Long An).

Một điều đáng mừng là dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thời tiết bất lợi nhưng tình hình tiêu thụ lúa gạo có chuyển biến tốt, thuận lợi cho nông dân. Hiện nay, giá lúa, nếp ổn định: Lúa IR 50404 từ 5.200-5.700 đồng/kg; lúa OM 5451 từ 5.100-5.700 đồng/kg; lúa OM 4900, Đài thơm 8 từ 5.600-6.000 đồng/kg; lúa ST24 khoảng 6.500 đồng/kg; nếp (giống 4625) từ 6.100 - 6.300 đồng/kg.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Thạnh, nhiều cánh đồng lúa HT đã bước vào thu hoạch. Nông dân rất phấn khởi vì năng suất và giá bán lúa đạt cao. Ông Đỗ Thanh Việt (xã Bắc Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi vừa thu hoạch hơn 3ha lúa HT. Thương lái mua tại ruộng với giá 5.300 đồng/kg. Vụ HT 2020, gia đình tôi gieo sạ trên 5ha. Hiện số diện tích này chưa thu hoạch xong nhưng tôi đoán năng suất đạt trên 6,5 tấn/ha. Vụ này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha. Đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất so với những năm gần đây”.

Ông Nguyễn Văn Duy, ngụ cùng địa phương, có gần 3ha lúa cũng đang chờ thu hoạch. Ông Duy cho biết, nguyên nhân giúp năng suất lúa tăng là nhờ nông dân chăm sóc rất kỹ nên dù điều kiện thời tiết đầu vụ tương đối không ổn định nhưng không ảnh hưởng nhiều. “Tôi rất vui vì giá lúa thị trường tăng bình quân từ 300-600 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019, qua đó tạo động lực cho người dân tiếp tục đầu tư sản xuất trong vụ tới” - ông Duy phấn khởi.

Còn ông Trần Văn Miếng (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Vụ HT này, gia đình tôi sản xuất hơn 7ha lúa OM 5451. Nếu như cùng kỳ năm trước, giá lúa chỉ ở mức 4.700 đồng/kg thì nay được 5.300-5.500 đồng/kg. Đây là giá lúa mà nông dân sản xuất lúa HT vô cùng mong đợi”.

Không chủ quan

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, vụ lúa HT này, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động lên lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho từng vùng sinh thái nên cây lúa ít bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp nông dân chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch hại trên lúa ở các giai đoạn sinh trưởng nên lúa phát triển tốt. Hiện năng suất và giá lúa đầu vụ ở mức cao sẽ là động lực lớn giúp nông dân tăng cường chăm sóc lúa, lựa chọn giống lúa chất lượng cao để sản xuất trong vụ tới.

Mặc dù đang thuận lợi về giá cả, năng suất nhưng nhiều địa phương cũng lo lắng cho diện tích lúa thu hoạch trong thời gian tới bởi đang bước vào mùa mưa, bão. Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết, ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích lúa trong giai đoạn chín; cùng địa phương kiểm tra cống thoát nước, khuyến cáo nông dân chuẩn bị máy móc, thiết bị đề phòng khi có trường hợp ngập úng xảy ra. Theo dự báo, lũ năm nay ở mức thấp, giá lúa tiếp tục có nhiều triển vọng, đang có lợi cho nông dân, khả năng xuất khẩu tốt. Tuy nhiên, sản xuất vụ Thu Đông vẫn gặp rất nhiều bất lợi do tình hình thời tiết cực đoan, mưa, bão thường xuyên xuất hiện cùng với khả năng rầy di trú là rất cao. Chính vì vậy, các địa phương cần theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có độ cứng cây, chống chịu với rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá; đồng thời sử dụng phân bón bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa, bão, đẩy sớm lịch thời vụ để sản xuất vụ Thu Đông được thắng lợi./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết