Tiếng Việt | English

25/01/2018 - 11:17

Chủ động nguồn hàng hóa phục vụ tết

Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp chủ lực phân phối hàng hóa, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh Long An chủ động dự trữ hàng hóa. Sở Công Thương nỗ lực kiểm soát cung - cầu nhằm tránh tình trạng thiếu nguồn cung đến người tiêu dùng.

Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Năm 2017, Long An thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2017 đạt gần 66.170 tỉ đồng, tăng 16,3% so năm 2016. Trong công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2018, Long An có lợi thế tiếp giáp TP.HCM nên giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tương đối ổn định. Sở Công Thương đang triển khai nhiều biện pháp để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá đối với các mặt hàng thiết yếu như sữa, đường, bột ngọt, nước chấm,... Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng nông sản trong tỉnh: Thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả có thể đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và cung cấp cho thị trường TP.HCM nên không thể thiếu hụt nguồn hàng.

Các cửa hàng kinh doanh chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Tiểu thương chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết

Các cửa hàng kinh doanh chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết 

Sở Công Thương triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tỉnh lập phương án  tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết  của người dân, góp phần bình ổn thị trường.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ lực như Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất Nhập khẩu Long An, Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, Công ty Cổ phần Sách và Dịch vụ Văn hóa Long An, Co.op Mart Tân An, Co.op Mart Bến Lức chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu dồi dào. Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp dự trữ trên 115 tỉ đồng. Ngoài tập trung hàng hóa tại các đô thị lớn, các doanh nghiệp còn mở rộng mạng lưới bán lẻ  đến các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Theo Phó Giám đốc Công ty Lương thực Long An - Ngô Thanh Vân, để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường tết, công ty luôn duy trì tồn kho gạo thường, gạo thơm trên 2.000 tấn để cung cấp cho các cửa hàng của đơn vị và các đại lý bán lẻ khi có nhu cầu. Ngoài ra, công ty có thể huy động khoảng 20.000 tấn gạo tồn kho thường xuyên để cung cấp cho thị trường khi có tình huống giá cả tăng đột biến.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Khi có biến động hay khan hiếm gạo dịp tết, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 21 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, ngày 04-11-2010 của Chính phủ, cung cấp gạo tham gia thị trường bán lẻ. Hiện các doanh nghiệp này tồn kho khoảng 150.000 tấn.

Tiểu thương sẵn sàng

Chủ Cửa hàng tạp hóa Thảo Vy (đường Nguyễn Cửu Vân, phường 4, TP.Tân An) chia sẻ: “Đến thời điểm này, tôi dự trữ khá nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người tiêu dùng như gạo, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn, nước chấm. Hiện tại, một vài mặt hàng bắt đầu “nhích” giá như bia, nước ngọt,… Sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng vào những ngày cận tết. Chính vì vậy, cửa hàng dự trữ hàng hóa để tránh tăng giá bán ra cho người tiêu dùng”.

Còn chị Nguyễn Minh Thảo, chủ đại lý bán lẻ tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước nói: “Những năm gần đây không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, bởi nhiều cửa hàng cạnh tranh buôn bán. Tuy nhiên, tôi vẫn chuẩn bị sẵn sàng và đặt hàng từ các đơn vị kinh doanh đầu mối tại Tân An lẫn TP.HCM”.

Tiểu thương chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết

Tiểu thương chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết

Ngoài nông sản, thực phẩm, trái cây cũng được người tiêu dùng chọn mua nhiều trong dịp tết. Chị Nguyễn Bé Hai, tiểu thương chợ Cần Giuộc phấn khởi: “Tết là dịp bán trái cây đắt nhất trong năm. Người tiêu dùng thường chọn các loại: Bưởi, xoài, đu đủ, mãng cầu,… nên tôi đặt hàng từ các vựa trái cây ở Tiền Giang vào đầu tháng 11 âm lịch. Chắc chắn, hàng hóa sẽ không thiếu, bởi hầu hết tiểu thương đều có sự chuẩn bị khá tốt cho việc bán buôn mùa tết”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết thêm: Giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 12-2017 đến nay tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến do thiếu hàng hóa. Theo quy luật, những dịp lễ, tết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường tăng mạnh nhưng nhờ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và tiểu thương chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nếu có sự đột biến, khan hiếm hàng hóa, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp thương mại chủ lực của tỉnh điều phối hàng hóa can thiệp thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết