Tiếng Việt | English

14/10/2015 - 11:14

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng

Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh Long An ghi nhận 1.492 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 2 ca tử vong; 1.290 ca mắc bệnh TCM, không có trường hợp tử vong. Địa phương có ca mắc bệnh SXH, TCM nhiều: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Công tác chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho học sinh luôn được Trường Mầm non Thị Trấn Cần Đước quan tâm

Là một trong những huyện có số ca mắc bệnh SXH cao nên Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cần Đước luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh mỗi khi mùa mưa đến. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trạm y tế 17 xã, thị trấn phối hợp tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng, chống SXH, TCM ở tất cả các trường học trên địa bàn vào ngày thứ 2 hằng tuần; phát tờ rơi, dán khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có bệnh SXH” ở mỗi hộ gia đình; vận động người dân thả cá diệt lăng quăng để phòng bệnh. TTYT huyện còn tổ chức ngày ASEAN và 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH ở 17 xã, thị trấn.

Phó Khoa Kiểm soát dịch bệnh TTYT huyện Cần Đước - Y sĩ Lê Văn Lanh cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện có 71 ổ dịch SXH, tăng trên 82% so với cùng kỳ và có 317 ca SXH, tăng trên 65% so với cùng kỳ năm 2014; có 118 ca mắc bệnh TCM, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014; không có trường hợp nào tử vong do mắc SXH và TCM. TTYT huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bệnh SXH và TCM; tiếp tục khảo sát các điểm nóng về bệnh SXH và hướng dẫn người dân xử lý khi có dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch ở các địa phương, từ đó xác định vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ xảy ra dịch, ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm những ca mắc đầu tiên và xử lý kịp thời.


Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để phòng, chống dịch bệnh

Xác định đây là thời điểm bùng phát dịch SXH và bệnh TCM nên các trường học chủ động các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị Trấn Cần Đước - Nguyễn Thị Phương Trúc cho biết, trường có 6 lớp, với 210 trẻ theo học. 2 năm nay, trường không có trường hợp nào mắc bệnh. Có được kết quả đó là do trường làm tốt công tác tuyên truyền và vệ sinh lớp học, môi trường xung quanh. Nhà trường vận động phụ huynh hỗ trợ xà phòng để các em thực hiện rửa tay theo 6 bước của ngành Y tế, cho các bé mặc quần áo dài tay vào mùa mưa để phòng muỗi đốt. Giáo viên lau phòng và quét dọn lớp học thông thoáng vào mỗi buổi sáng. Cuối tuần, tổng vệ sinh lớp và đồ dùng, đồ chơi của các em bằng dung dịch Cloramin B…

Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh - Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo, hiện nay, bệnh SXH, TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh SXH chủ yếu vẫn là diệt muỗi, lăng quăng và tránh muỗi đốt. Nếu bị sốt cao 2 ngày, uống thuốc không thấy hạ sốt thì đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Để phòng ngừa bệnh TCM, cần vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (đặc biệt là sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn thông thường./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết