Tiếng Việt | English

29/03/2021 - 14:52

Chủ động phòng trừ bệnh khảm trên cây khoai mì

Thời gian qua, tình hình bệnh khảm trên cây khoai mì xuất hiện ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã đưa ra nhiều biện pháp thiết thực, góp phần phòng trừ bệnh khảm ngay từ giai đoạn đầu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện kiểm tra tình hình bệnh khảm trên cây khoai mì

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện kiểm tra tình hình bệnh khảm trên cây khoai mì

Hiện nay, tỉnh có gần 800ha khoai mì, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa và Đức Hòa, trong đó có khoảng 250ha khoai mì bị bệnh khảm. Bệnh khảm trên cây khoai mì do Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra, bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Genn.), họ Aleyrodidae, bộ cánh đều (Homoptera) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh khảm là vết khảm vàng loang trên lá, trong trường hợp nặng, lá biến dạng, xoăn, cong queo và nhăn nhúm làm giảm năng suất và chất lượng, thậm chí khi cây còn nhỏ nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xuất hiện bệnh khảm trên khoai mì là nông dân sử dụng các loại giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cụ thể, nông dân thường thuê dịch vụ trồng khoai mì lại không kiểm tra chất lượng và loại giống được trồng tại ruộng”.

Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp, bình quân mỗi hécta khoai mì cho năng suất từ 12-15 tấn. Riêng năm nay, những diện tích trồng khoai mì bị bệnh khảm nặng thì năng suất từ 9-10 tấn/ha. Năm nay, giá khoai mì dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg (tùy theo giống), so cùng kỳ năm 2020 cao hơn 2.000 đồng/kg. Nhờ vậy, nông dân trồng khoai mì có lãi vài chục triệu đồng/ha. Ông Trần Văn Đa, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, bộc bạch: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi chuyển 5.000m2 đất trồng mía sang trồng cây khoai mì. Do không nhận biết được cây giống kém chất lượng, chưa có kinh nghiệm nên khi thuê dịch vụ trồng khoai mì, gia đình tôi tin tưởng giao hết cho người trồng. Mới trồng được 2 tháng đã phát hiện khoai mì bệnh khảm, năng suất giảm rất nhiều nhưng năm nay giá khoai cao nên lợi nhuận vẫn bằng năm 2020”.

Những năm qua, ngay sau khi phát hiện bệnh khảm trên cây khoai mì, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, diện tích khoai mì bị bệnh khảm được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp so với nhiều địa phương khác thuộc khu vực Đông Nam bộ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Thời gian tới, để chủ động phòng bệnh khảm trên cây khoai mì, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Khuyến khích nông dân chọn giống chất lượng KM94, không sử dụng các loại giống bị nhiễm bệnh: HLS-11, HLS-12, KM 419, KM 140, không chọn giống trong vùng có dịch; khuyến khích nông dân luân canh trồng các loại cây khác ở vùng bị bệnh khảm ít nhất 1 vụ sản xuất; không xuống giống khi trên khu vực có diện tích bị bệnh khảm lá nhằm hạn chế bệnh tiếp tục lây lan gây hại; chỉ hợp đồng thuê khâu trồng, không hợp đồng trọn gói.

Ngoài ra, các địa phương sẽ nắm lại danh sách các đơn vị cung cấp dịch vụ trồng khoai mì trên địa bàn để có biện pháp tuyên truyền về cách chọn giống phù hợp, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận cho nông dân; tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng khoai mì cho tất cả nông dân có diện tích trồng khoai mì. Riêng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh liên hệ các địa phương ngoài tỉnh tìm giống khoai mì chất lượng tổ chức nhân giống và chuyển giao cho nông dân; nghiêm cấm việc vận chuyển thân, lá từ vùng đang có bệnh sang các vùng chưa nhiễm bệnh,…”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết